Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: Bước trưởng thành mới của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 15/01/2016

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 24 đến 27-6-1991. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu đại diện cho 2.155.022 đảng viên và các đoàn đại biểu Đảng Cộng sản các nước, các đơn vị trong đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc gia và quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội.

Đại hội VII của Đảng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Các thế lực thù địch từ nhiều phía tìm mọi cách chống phá hòng xóa bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực. Tư tưởng và tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới được Đảng ta đề ra từ Đại hội lần thứ VI đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đó là động lực giúp nước ta đứng vững và phát triển.

Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đây là những chủ trương, đường lối hết sức quan trọng, tiếp tục hoàn thiện các định hướng đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường. Đại hội đã thông qua báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, khẳng định vai trò trách nhiệm của Đảng, đánh giá thực trạng tình hình và xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Đây là nội dung thể hiện sự trưởng thành của Đảng ta. Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Đại hội VII xác định vai trò của Đảng gắn liền với việc xây dựng và thực hiện thắng lợi cương lĩnh, chiến lược và công cuộc đổi mới. Đồng thời gắn vai trò của Đảng với hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đại hội VII khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên. Hội nghị thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: "Sự nhất trí cao của Đại hội về những quyết định chính trị trọng đại ở một thời điểm lịch sử không đơn giản như hiện nay, cho phép chúng ta khẳng định rằng Đại hội đánh dấu một bước trưởng thành mới của Đảng, một cột mốc mới trong tiến trình cách mạng nước ta; rằng Đại hội đã đáp ứng ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng lòng mong đợi và sự tin cậy của bạn bè gần xa trên thế giới". Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Để hoàn thành sự nghiệp đổi mới, bản thân Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, vươn lên ngang tầm đòi hỏi của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".