Đồng chí Trần Quốc Hoàn với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 15/01/2016

(HNM) - Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Quốc Hoàn, chúng ta rất vinh dự, tự hào tưởng nhớ và biết ơn người con ưu tú của quê hương Nam Đàn, Nghệ An - người đã giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 18 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; có tác phong, lối sống giản dị, gần gũi quần chúng, tận tụy trong công tác. Trên mọi cương vị, đồng chí luôn là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và lý tưởng của Bác Hồ kính yêu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong suốt chặng đường hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã vinh dự trở thành Bộ trưởng Công an đầu tiên của nước ta, đồng thời là người giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành trong thời gian dài, gần 30 năm (từ năm 1952 đến năm 1981).

Ảnh tư liệu

Đối với Đảng bộ TP Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn là một đồng chí lãnh đạo luôn dành sự quan tâm, yêu mến và đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Như chúng ta đã biết, tháng 3-1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm Bí thư. Tham gia Thành ủy có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Đạt, Tạ Quang Sần và đặc biệt là, có đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn). Phạm vi hoạt động của Đảng bộ Hà Nội thời kỳ đó, bao gồm cả tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy ngay sau khi lập lại, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào chỉ đạo xây dựng, phát triển các cơ sở Đảng và đảng viên; vận động quần chúng, chắp mối bắt liên lạc với những đảng viên đang hoạt động bí mật ở Hà Nội; cử thêm cán bộ đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy; mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ phục vụ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của tập thể Thành ủy, đồng chí Trần Quốc Hoàn hoạt động và làm việc ở Nhà máy in IDEO - nay là Nhà in Báo Nhân Dân (phố Tràng Tiền, Hà Nội). Đồng chí lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân nhà in IDEO đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sa thải thợ, thành lập các hội ái hữu, hiếu hỷ, đội bóng đá, giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những công nhân ưu tú cho Đảng. Phong trào công nhân đã triệt để lợi dụng các hoạt động công khai để mở rộng tổ chức, phát triển hội viên, lập ra các hội ái hữu phát triển khá sâu rộng và vững chắc. Tinh thần đấu tranh của công nhân ngày càng có chuyển biến tích cực và đã lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp lao động và các giới trên địa bàn thành phố.

Để phối hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh của công nhân nội thành, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy chú trọng đẩy mạnh phong trào và hiệu quả các cuộc đấu tranh ở ngoại thành. Nội dung tập trung vào chống các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới, chia lại đất công điền, công thổ và đặc biệt là chống nạn sưu thuế nặng nề của chính quyền thực dân, phong kiến. Kết quả đấu tranh ở vùng nông thôn ngoại thành đã góp phần động viên, giáo dục quần chúng nông dân chuẩn bị lực lượng và cơ sở cách mạng tạo tiền đề cho cuộc vận động giải phóng dân tộc sau này.

Cùng với đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, đồng chí Trần Quốc Hoàn rất chú trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội, trọng tâm là tuyên truyền, cổ động, thông qua hoạt động báo chí công khai để tăng cường ảnh hưởng của Đảng và của Đảng bộ Thủ đô trong quần chúng. Sách báo và các hình thức thông tin, tuyên truyền khác của Đảng ở Hà Nội đã góp phần to lớn và trực tiếp vào việc tuyên truyền và nâng cao trình độ giác ngộ cho quần chúng nhân dân ở các địa phương.

Một sự kiện lịch sử được Đảng bộ và nhân dân Thủ đô thời kỳ đó quan tâm đặc biệt là ngày 1-5-1939, nhân ngày Quốc tế Lao động, tại Hà Nội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn và Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo đảng viên, quần chúng tham gia mít tinh, biểu dương lực lượng thu hút trên hai vạn người tham gia. Đây là cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu nhất, kể từ ngày 7-6-1929, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại Hà Nội, đánh dấu một bước trưởng thành rất quan trọng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển về tổ chức của các phong trào cách mạng và lực lượng quần chúng của Đảng.

Đầu năm 1939, trước nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đến gần, thực dân Pháp đã bộc lộ rõ bản chất phát xít hóa, điên cuồng đàn áp đẫm máu các phong trào cách mạng, một số đảng viên và công nhân tích cực hoạt động bị bắt. Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội chuyển dần vào hoạt động bí mật. Tháng 5-1940, đồng chí Trần Quốc Hoàn được đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy, Thường vụ Trung ương, phụ trách Hà Nội, điều động sang phụ trách in ấn, xuất bản báo chí bí mật của Đảng đóng ở vùng Yên Lộ (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) và Phú Liễn (huyện Thanh Oai)... Tháng 8-1940, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đồng chí Trần Quốc Hoàn chuyển sang phụ trách cơ quan giao thông của Xứ ủy ở Văn Điển, rồi về phụ trách phong trào hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng ở những cương vị khác nhau, hoàn cảnh và địa bàn khác nhau, nhưng Hà Nội vẫn là địa bàn quen thuộc, gắn bó và là mối quan tâm thường xuyên của đồng chí. Đặc biệt, đồng chí đã góp phần rất quan trọng đập tan âm mưu chống phá của bọn A.B - một tổ chức phản động chui vào Thành ủy nhằm phá hoại nội bộ Đảng và phong trào cách mạng.

Đầu năm 1941, trên đường đi công tác, đồng chí Trần Quốc Hoàn bị địch bắt, kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc, rồi bị đày đi nhà tù Sơn La. Trong điều kiện bị giam cầm và tra tấn dã man của nhà tù đế quốc, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng các đồng chí Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Lê Thanh Nghị không chịu khuất phục kẻ thù, kiên cường đấu tranh, xây dựng cơ sở Đảng trong nhà tù (Đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia chi ủy nhà tù (1941-1944), đến giữa năm 1944 làm Bí thư chi bộ nhà tù). Khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3-1945) với cương vị Bí thư chi bộ, đồng chí đã lãnh đạo tù chính trị nhà tù Sơn La đấu tranh với thực dân Pháp đòi trả lại tự do và sau đó tổ chức đưa hơn 200 chiến sĩ cách mạng bị địch cầm tù về xuôi an toàn. Những hoạt động của chi bộ nhà tù Sơn La, có sự đóng góp tích cực của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã giúp cho Đảng bộ TP Hà Nội bổ sung nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là kinh nghiệm đấu tranh, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù đế quốc. Tháng 4-1945, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội. Đồng chí cùng với Thành ủy quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn phong trào cách mạng và điều kiện của Đảng bộ Hà Nội, đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi trọn vẹn và ít đổ máu. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, có một phần đóng góp quan trọng của nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên, trong đó, có đồng chí Trần Quốc Hoàn, người phụ trách công tác chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội.

Công lao và những đóng góp của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với Thủ đô là rất quan trọng, với chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang gần 30 năm, khởi đầu từ những ngày gian khổ Toàn quốc kháng chiến đến khi đánh bại thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ về tiếp quản Thủ đô.

Với quân, dân Thủ đô những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám thành công trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chính quyền non trẻ ở Thủ đô. Ở Hà Nội, bọn Quốc dân Đảng phản động câu kết với quân Tưởng, âm mưu trung lập hóa Nha Công an để phá rối an ninh, chính trị ở Hà Nội, tiến tới cướp chính quyền của ta. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tổ chức chỉ đạo phá tan âm mưu của địch, một mặt tìm cách đưa cán bộ cốt cán như đồng chí Lê Giản, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu… vào Nha Công an; mặt khác thành lập các đội điệp báo và trinh sát Hà Nội đánh vào tổ chức của địch có âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Đây là cơ quan tình báo phản gián bí mật của ta, góp phần rất quan trọng trong việc vô hiệu hóa âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và chính quyền Hà Nội.

Trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, đồng chí Trần Quốc Hoàn là phái viên của Trung ương trực tiếp chỉ đạo mặt trận Hà Nội. Đồng chí đã ngày đêm cùng với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ và các đồng chí trong Thành ủy lãnh đạo quân dân Thủ đô, chuẩn bị chiến trường, tổ chức chiến đấu ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng chí rất coi trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Thủ đô. Trong thời gian ngắn, Trung đoàn Thủ đô và đội quân cảm tử của Hà Nội được thành lập và lập nên những chiến công lẫy lừng trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cầm chân địch 60 ngày đêm trong thành phố, tạo điều kiện cho các địa phương khác có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Trong 60 ngày đêm khói lửa ấy đồng chí Trần Quốc Hoàn, bất chấp gian khổ hy sinh, đồng cam cộng khổ, sát cánh cùng Trung đoàn Thủ đô anh dũng chiến đấu. Đêm 20-1-1947, đồng chí Trần Quốc Hoàn với tư cách là phái viên của Trung ương Đảng cùng đồng chí Lê Quang Đạo (Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã dũng cảm vượt qua lửa đạn và hệ thống đồn bốt của địch, trực tiếp vào Liên khu I - Liên khu nóng bỏng nhất của mặt trận Hà Nội, để nắm tình hình địch và động viên các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và đi khảo sát ở nhiều cơ sở cách mạng khác trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, rút ra được kết luận bổ ích về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với mặt trận Hà Nội. Hình ảnh của đồng chí phái viên Trung ương lúc ấy còn ghi mãi trong tâm trí của các chiến sĩ quyết tử Thủ đô, là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu sống còn với quân thù.

Giữa tháng 2-1947, Bộ Tổng chỉ huy nhận định: Liên khu I và Trung đoàn Thủ đô đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giam chân địch, đã đến lúc Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi vòng vây của địch, để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đêm 14-2-1947, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho Bộ Chỉ huy khu XI tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài và chuyển lời khen ngợi của Bác Hồ: “Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi. Đến nay, giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”. Ngày 22-2-1947, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ đến thăm Trung đoàn Thủ đô lúc đó đã chuyển về làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng.

Xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức, chuẩn bị phản công

Do vị trí chiến lược trọng yếu, Hà Nội được lập thành Đặc khu, đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng. Tháng 4-1949, khi cuộc kháng chiến của ta bước vào giai đoạn cầm cự, đồng chí Trần Quốc Hoàn đang làm Bí thư Liên khu ủy X, được Trung ương điều động về làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội đến tháng 4-1951.

Lúc này, Đảng bộ Hà Nội được Trung ương giao nhiệm vụ, chuẩn bị chiến trường, xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực, tinh nhuệ, phối hợp với chiến trường cả nước để chuyển sang phản công chiến lược. Đối phó với các hoạt động của ta, địch tăng cường một lực lượng lớn về Hà Nội, bố trí lại các đồn, bốt ra sức đánh phá các cơ sở cách mạng của ta, làm không ít cơ sở bị vỡ, cán bộ bị bắt, ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn ngày đêm suy nghĩ, theo dõi, nghiên cứu tình hình cuộc đấu tranh giữa ta và địch, băn khoăn, đau xót trước những tổn thất của phong trào. Đồng chí nhận thấy cần phải chuyển hướng về xây dựng tổ chức và hoạt động đấu tranh tại Hà Nội, chuyển hướng hoạt động và xây dựng tổ chức quần chúng ở nội, ngoại thành. Ngày 25-12-1950, Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội đề ra chủ trương: “Trọng tâm công tác là vận động quần chúng, lấy củng cố cơ sở phong trào là chính, đình chỉ những cuộc đấu tranh ít đem lại lợi ích thực tế, tránh làm lộ lực lượng để địch khủng bố và phá cơ sở của ta”. Đồng chí cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ của Hà Nội, vì vậy đã đề nghị Trung ương đưa các cán bộ vốn người Hà Nội, công tác tại các địa phương khác, nếu có điều kiện và tự nguyện, về tăng cường cho Hà Nội. Từ chủ trương đó, một loạt cán bộ ở các khu, tỉnh được điều về và được bố trí hoạt động bí mật và bán công khai, hợp pháp, góp phần xây dựng, phát triển lực lượng và rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Thủ đô.

Trong thời gian làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp chỉ đạo ngành Công an, làm nên một chiến công tình báo vang dội, đó là: Bố trí một vụ nổ mìn, tiêu diệt 200 binh lính Pháp và phá hủy nhiều vũ khí hạng nặng của địch; đồng thời, có tác động cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quân và dân Thủ đô. Từ tháng 8-1952, do yêu cầu công tác, đồng chí Trần Quốc Hoàn vinh dự được Trung ương điều động nhận nhiệm vụ phụ trách ngành Công an. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Bí thư Liên khu III được Trung ương chỉ định kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trong những ngày Hà Nội rợp cờ hồng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về tiếp quản Thủ đô

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chuyển sang một bước mới. Hà Nội giải phóng, việc tiếp quản Thủ đô là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho bộ đội, công an và cán bộ, Người nhắc nhở: “Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục, nhưng khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không thấy” (Hồ Chí Minh về an ninh trật tự - NXB Công an nhân dân 1995, trang 221).

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đó, Trung ương Đảng đã quyết định tăng cường cán bộ cho Hà Nội. Ngày 29-8-1954, các đồng chí Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng tham gia Thành ủy... Tiếp đó, ngày 6-9-1954, Trung ương cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô.

Xác định rõ trọng trách được giao, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã không quản khó khăn, nỗ lực hết mình để cùng tập thể cấp ủy chỉ đạo chuẩn bị tốt mọi công việc cho công tác tiếp quản, bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh trật tự của nhân dân và Thủ đô vẫn hoạt động bình thường. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo của Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Trần Quốc Hoàn, việc tiếp quản Thủ đô hoàn thành tốt đẹp, ta đã tiếp quản tuyệt đối an toàn các vị trí quân sự, trong đó có 2 sân bay Bạch Mai và Gia Lâm, 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... Mọi sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra bình thường; giao thông liên lạc trong thành phố và từ Thủ đô đi các tỉnh vẫn thông suốt. Việc cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt... và nhiều mặt hàng khác được bảo đảm. Uy tín, vị thế của cách mạng khiến cho bọn phản động, lưu manh không dám hoạt động, chống phá (Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội, (1930-2000), H 2004, trang 283). Các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, nhân dân lao động hết sức vui mừng, phấn khởi.

Hòa bình lập lại, Thủ đô Hà Nội cùng với miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng Thành ủy Hà Nội phát động phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp cưỡng ép đồng bào xuống Hải Phòng di cư vào Nam, mở cuộc vận động tích cực phục hồi sản xuất, tạo ra một bước chuyển biến mới trong phong trào cách mạng của Thủ đô.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, suốt quá trình gần 30 năm (8/1952 - 1981), đồng chí Trần Quốc Hoàn đã dành tâm huyết, trí tuệ của mình, tham mưu với Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược, sách lược trong đấu tranh bảo vệ chính quyền, bảo vệ các thành quả của đất nước, của Thủ đô, đặc biệt là mặt trận đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại các âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực phản động. Trên chặng đường đầy gian lao, thử thách, lực lượng Công an Thủ đô dưới sự chỉ đạo của Thành ủy nói chung, đặc biệt là của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã góp phần đánh bại âm mưu của thực dân Pháp và chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhìn lại cuộc đời đấu tranh, hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn, chúng ta tự hào về một người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, một đồng chí Bí thư xuất sắc của Thành ủy Hà Nội ở những thời điểm có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng: Từ Bí thư Đặc khu (4/1949 - 4/1951); Bí thư Thành ủy đầu năm 1951 đến tháng 8-1952; đến Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô từ 9/1954 đến 10/1954. Đồng chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng và để lại những kỷ niệm, tình cảm sâu sắc đối với đồng bào, đồng chí Thủ đô. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đồng chí, TP Hà Nội đã đặt tên Trần Quốc Hoàn cho một con đường khang trang ở trung tâm thành phố.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/1/1916 - 23/1/2016), với thành công tốt đẹp của Đại hội các cấp và đặc biệt là của Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội XII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xứng đáng với các thế hệ cán bộ cách mạng đi trước, trong đó có đồng chí Trần Quốc Hoàn kính yêu và xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Ngô Thị Thanh Hằng