Bài 2: Khẳng định hình ảnh, vị thế Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 15/01/2016
1. Từ nhận thức chung về xu thế thời đại, về thế giới và khu vực, về đối tác và đối tượng trên cơ sở lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc trong từng hoàn cảnh cụ thể…, Đảng ta đã xác định mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, đồng thời tăng cường nội lực bảo đảm hội nhập thành công. Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế. Từ chủ trương "muốn là bạn", "sẵn sàng là bạn", "là bạn, là đối tác tin cậy", là "thành viên có trách nhiệm" của cộng đồng quốc tế đến Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã đề ra chủ trương "chủ động tích cực hội nhập quốc tế". Chủ trương lớn của Đảng đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Nghị quyết này đã xác định được nhiều định hướng tư duy và hành động quan trọng, nhằm tạo bước đột phá cho quá trình hội nhập với thế giới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được bạn bè quốc tế đánh giá cao như xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. |
Từ những nhận thức mới, tư duy mới của Đảng về đổi mới, mở cửa và hội nhập, vai trò của công tác đối ngoại đã được nâng cao. Việt Nam đã mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các quốc gia, các vùng lãnh thổ phá thế bị bao vây cấm vận, bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó tranh thủ các yếu tố thuận lợi của môi trường quốc tế để thúc đẩy phát triển. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại khắp các châu lục, hình thành quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều nước lớn, đồng thời đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng đối với an ninh và sự phát triển của đất nước. Phát huy vai trò, trách nhiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế (Phong trào không liên kết, các diễn đàn trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN…), chúng ta đưa các hoạt động hợp tác về an ninh - quốc phòng vào chiều sâu và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục…
Mặt khác, từ một nước nghèo, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để trở thành một nước có mức thu nhập trung bình. Thẳng thắn nhận định trình độ và nguồn lực phát triển kinh tế của Việt Nam còn thua kém nhiều quốc gia trong khu vực, chưa nói đến các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào: Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Bạn bè quốc tế đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam. Chúng ta đã làm được điều mà nhiều quốc gia trên thế giới không làm được, đó là vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Cũng vì vậy Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia để triển khai thí điểm mô hình "Một liên hợp quốc" - một mô hình hứa hẹn sẽ đóng góp thiết thực vào quá trình cải tổ hệ thống Liên hợp quốc hiện nay. Đây cũng là nền tảng cho khuôn khổ hợp tác ngày càng hiệu quả giữa Việt Nam và tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh.
Với những đóng góp có trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới, với việc phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng ASEAN, hình ảnh và vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế. Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã đến Việt Nam để bàn thảo, tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng, hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng như hiện nay. Và yếu tố trung tâm, xuyên suốt và có tính quyết định chính là đường lối đối ngoại sáng suốt, đúng đắn của Đảng.
2. "Là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới với mong muốn hòa bình, thịnh vượng, cùng phát triển. Và, chúng ta kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước. Là quốc gia từng phải chịu đựng nhiều đau thương mất mát của chiến tranh, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực. Song, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời báo chí quốc tế: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó…".
Hình ảnh một Việt Nam thân thiện, hiếu khách được bạn bè quốc tế đánh giá cao. |
Trong thế kỷ XXI, tình hình thế giới tiếp tục có những biến chuyển phức tạp khó lường tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và phát triển. Thách thức toàn cầu ngày càng nhiều và nằm ngoài khả năng giải quyết của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết xung đột; liên kết kinh tế, tài chính, tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như việc ứng phó với khủng hoảng, các thách thức an ninh phi truyền thống… đòi hỏi tăng cường hợp tác, liên kết giữa các quốc gia để cùng giải quyết. Do vậy, thế giới đang hướng đến cục diện "đa cực" cùng với xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế.
Trong thế giới "đa cực" ấy, các thể chế, các phương thức giải quyết đa phương được xem là biện pháp tốt nhất để phục hồi kinh tế, mở rộng không gian phát triển. Những năm gần đây, Châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu xu hướng liên kết đa tầng nấc và trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị năng động. Minh chứng cho điều này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều nguyên thủ quốc gia coi TPP là tương lai của khu vực với việc góp phần xác định các quy tắc thương mại của Châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Hội nghị Trung ương 14 (khóa XI) đã thảo luận và nhận định: Cơ hội mà TPP đem lại cho nước ta là rất lớn, nhưng thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP và chỉ đạo Chính phủ xây dựng chương trình hành động.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, chúng ta triển khai mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, trên cơ sở phát huy nội lực, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm. Với thế và lực mới, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy "tham gia tích cực" sang "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung". Và thực tế, Việt Nam đã, đang tham gia tích cực vào việc hoạch định những chính sách quan trọng của khu vực và thế giới, cũng như việc xây dựng chương trình nghị sự phát triển cho giai đoạn sau 2015… Có thể nói, chúng ta đã tạo được những tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp và vị thế đất nước, mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, những bất cập nội tại, những thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đang đặt ra nhiều vấn đề hết sức gay gắt, đòi hỏi những nỗ lực mới.
Với nhận thức sâu sắc về tình hình và xu thế vận động của thế giới đương đại, với đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, chúng ta đã "chủ động tích cực hội nhập quốc tế" và thu được những thành quả hết sức to lớn, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng cao. Đó là thành tố quan trọng và là động lực để tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.