Lỗi tại... quy trình!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 15/01/2016
Dẫn ra câu chuyện biển báo gây ùn tắc sau khi thông hai hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GT-VT tỏ thái độ bất bình: Nếu biển báo không phù hợp thì nhổ bỏ đi; cắm biển báo mà để người dân bức xúc thì không cắm còn hơn... Đáng tiếc là, như chính Bộ trưởng thừa nhận, đã từng yêu cầu cấp dưới chấn chỉnh sự bất hợp lý trong việc sơn đường, cắm biển, vậy mà mãi... không làm được. Người đứng đầu ngành GT-VT còn bức xúc vậy, huống hồ người tham gia giao thông.
Không phải đến bây giờ việc sơn đường, cắm biển báo mới "thành chuyện" trong dư luận. Nhiều năm qua, không ít lần các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về những vạch sơn, biển báo bất hợp lý, thay vì "hướng dẫn" bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì việc làm ẩu đó đã trở thành tác nhân gây ùn ứ, tắc đường. Việc sơn đường, cắm biển đã được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp lý chuyên ngành, với những quy chuẩn cụ thể. Trước khi tổ chức sơn kẻ đường, cắm biển phải khảo sát, nghiên cứu thực tế để bảo đảm sự hài hòa, hợp lý trong tổ chức giao thông... Như vậy, có thể thấy, việc tổ chức kẻ vẽ, cắm biển hướng dẫn giao thông là rất khoa học và đòi hỏi phải rất sát với thực tiễn. Không chỉ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở GT-VT cũng có phòng chuyên ngành để thực hiện công việc này. Vậy tại sao trên thực tế vẫn có những biển báo, vạch sơn "đánh đố" người tham gia giao thông? Với các cơ quan chức năng, đây là câu hỏi không dễ trả lời. Thực tế, khi bị xử lý vi phạm biển báo, vạch sơn, có người đã đề nghị cán bộ cơ quan chức năng thực hành điều khiển phương tiện sao cho không vi phạm. Dư luận cũng đặt nghi vấn có hay không việc cố tình cắm biển, vẽ đường "đánh đố" người tham gia giao thông để... thu phạt? Tất nhiên không có cơ quan quản lý nào đứng ra trả lời rốt ráo câu hỏi này. Và đó là lý do tại sao sau mỗi đợt báo chí đưa tin rầm rộ, chuyện sai lỗi vạch sơn, biển báo vẫn đâu lại vào đó, chỉnh chỗ này, mắc chỗ khác.
Đúng là không dễ để tìm kiếm bằng chứng chứng minh những nghi vấn kẻ vạch sơn, cắm biển báo kiểu cố tình "làm khó" mà dư luận đặt ra, bởi diễn biến giao thông luôn thay đổi. Thế nhưng, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể quy trách nhiệm cho tập thể, cá nhân phụ trách để xuất hiện nhiều biển báo bất hợp lý trên địa bàn được phân công phụ trách. Nếu người đứng đầu các đơn vị này mà trình độ chuyên môn không bảo đảm hoàn thành công việc, hoàn toàn có thể điều chuyển, sa thải. Còn nếu có bằng chứng tư lợi thì không cần bàn cãi. Vấn đề đặt ra ở đây có lẽ là công tác quản lý chuyên ngành đang tồn tại những hạn chế và để giải quyết, đòi hỏi phải xem xét, hoàn thiện lại quy trình quản lý nhà nước, thay vì giải quyết những vụ việc cụ thể.