“Di sản” cuối nhiệm kỳ
Thế giới - Ngày đăng : 05:57, 15/01/2016
Không giống những thông điệp trước đây, chủ yếu tóm tắt thành quả một năm và định hướng năm tiếp theo, lần này, ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng đã dành phần lớn nội dung cho việc điểm lại những thành tựu trong hai nhiệm kỳ qua; đồng thời vạch ra con đường mà nền kinh tế số một thế giới nên chọn trong tương lai. Nhắc lại câu nói nổi tiếng "Thay đổi" đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2008, Tổng thống B.Obama đã điểm lại "thành tích" nước Mỹ gặt hái được trong hơn 7 năm qua ở cả hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại.
Thông điệp liên bang cuối cùng của Tổng thống B.Obama thu hút sự quan tâm của dư luận. |
Trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2015, nước Mỹ đã ghi nhiều dấu ấn thành công trên trường quốc tế. Mốc đầu tiên phải kể tới là sự kiện Mỹ và Cuba nối lại quan hệ ngoại giao sau nhiều thập niên băng giá, mở đường cho tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương. Tại điểm nóng Trung Đông, các cường quốc Nhóm P5+1 do Mỹ đứng đầu đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran sau 9 năm thương lượng, nhằm ngăn chặn khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
Về kinh tế, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên mà Mỹ là trụ cột đã kết thúc sau 5 năm bằng một thỏa thuận lịch sử tại thành phố Atlanta đầu tháng 10 năm ngoái. Chiến lược "xoay trục" sang Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại và năm 2015 nước Mỹ đã "làm" nhiều hơn "nói" với tuyên bố hỗ trợ 250 triệu USD trong khuôn khổ sáng kiến tăng cường an ninh biển cho các quốc gia Đông Nam Á.
Một dấu ấn nữa được Tổng thống B.Obama nhấn mạnh trong thông điệp mới nhất là hình ảnh nước Mỹ vững bước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, tạo thêm 14 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10% của năm 2009 xuống chỉ còn xấp xỉ 5% và ngày càng có nhiều người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế… Lần đầu tiên trong gần 8 năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất - bước đi dự báo trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt từ công nghiệp, nhà đất, chế tạo cho tới dịch vụ...
Thế nhưng, thành tựu trên chưa đủ khỏa lấp những thách thức mà Tổng thống B.Obama đang phải đối mặt trong gần một năm cuối nhiệm kỳ. Dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng nước Mỹ vẫn bế tắc trong việc tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Đông Âu cũng như cuộc chiến chống khủng bố mà tiêu biểu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong cuộc chiến tại Syria và Iraq, phe Cộng hòa chỉ trích Tổng thống B.Obama đánh giá thấp IS đã "tạo điều kiện" cho tổ chức khủng bố này trỗi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nước Mỹ vẫn chưa xử lý được một số vấn đề đối nội như quản lý súng đạn - một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ xả súng liên tiếp gây bức xúc trong dư luận thời gian qua…
Thông điệp liên bang lần thứ bảy này được cho là chương trình nghị sự của chính quyền và đảng Dân chủ từ nay tới cuộc bầu cử tổng thống. Và ngay lập tức, các nghị sĩ Cộng hòa đã chỉ trích bản thông điệp "nhạt nhẽo với những lời lẽ cũ rích", không đưa ra được giải pháp cụ thể cho những tồn tại của nước Mỹ. Không khó để giải thích phản ứng của phe Cộng hòa khi mâu thuẫn nội bộ vẫn tồn tại trên chính trường. Với sự chia rẽ đó, khoảng thời gian gần một năm để "hoàn thành" những chính sách còn dang dở của Tổng thống B.Obama được dự báo sẽ khó khăn. Vì thế, còn quá sớm để khẳng định những "di sản" của ông B.Obama trong 7 năm qua sẽ mang lại lợi thế cho phe Dân chủ trong cuộc "so găng" vào cuối năm nay.