Chủ tịch Quốc hội: Phải nói rõ thông tin nào không được đóng dấu “Mật“

Chính trị - Ngày đăng : 15:53, 14/01/2016

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Luật Tiếp cận thông tin phải quy định minh bạch, rõ ràng thông tin nào người dân được tiếp cận.

Cứ đóng “Mật” thì dân tiếp cận thế nào?

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Tiếp cận thông tin tại phiên họp 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/1, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để luật hóa, bổ sung một số quy định về nội dung các thông tin phải được công khai hiện đang được quy định trong một số văn bản luật, pháp lệnh, nghị định để tạo điều kiện tốt hơn cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Ông Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Hiện nay, về tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp là việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật.

"Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Chủ tịch Quốc hội: Luật không nêu rõ thông tin nào người dân được tiếp cận thì không có giá trị


Tán thành với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật này quan trọng nhất là quy định rõ thông tin nào được tiếp cận hay không được tiếp cận mà không để chờ luật khác. Nếu luật Tiếp cận thông tin không giải quyết được vấn đề trên thì luật không có giá trị.

“Thông tin nào được tự do tiếp cận, thông tin nào bị hạn chế đã có trong Pháp lệnh nên đưa vào có gì khó đâu, sao các đồng chí cứ khó khăn thế. Luật như thế là luật không minh bạch. Từ giờ đến tháng 3 phải bổ sung, nếu làm không kịp thì chưa trình thông qua tại Kỳ họp 11 Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng những thông tin cần được công khai trong luật này còn thiếu rất nhiều nên cần rà soát thêm. Thông tin nào không được công khai hay hạn chế tiếp cận thì phải nêu cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình thêm rằng tất cả những thông tin phải mật, thông tin đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận và Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp. Việc giải mật như thế nào sẽ theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

“Có thể yên tâm là những thông tin đã được công khai, được giải mật đều được quy định trong luật này. Riêng cái gì liên quan đến bí mật, trước khi cung cấp cho người dân thì cơ quan cung cấp phải rà soát, phải được cơ quan có thẩm quyền phụ trách đồng ý”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Chưa đồng tình với giải trình trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nếu nói thế thì cái gì người ta không muốn cung cấp họ đóng dấu mật là xong vì anh cho người ta cái quyền đóng dấu mật”.

“Luật này phải nói rõ những thông tin nào không được đóng dấu mật. Anh để cửa cho người ta đóng dấu mật thì còn ý nghĩa, giá trị gì nữa. Cái gì cấm thì nói rõ luôn đi; thông tin mật về công an, quân sự, tình báo thì ghi rõ vào đây, như thế luật này mới có giá trị”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Luật bảo vệ bí mật Nhà nước chỉ được quy định những loại thông tin mật, mật ở mức độ nào, khi nào giải mật chứ không được quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Luật Tiếp cận Thông tin mới có quyền quy định điều này.

Dùng ngân sách thì phải công khai thông tin

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật về việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ có cơ quan nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

“Đó là ý kiến rất hay. Ví dụ người ta muốn đến trường học hỏi học phí hay đến bệnh viện hỏi viện phí thì cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm cung cấp cho họ, không được mơ hồ, phải minh bạch, công khai, cung cấp cho dân”, bà Mai nói.

Về quy định UBND cấp xã, phường, thị trấn chỉ cung cấp thông tin cho công dân sống trên địa bàn thì theo bà Trương Thị Mai là “nghe chừng không ổn, không hợp lý”.

“Người vãng lai, người không phải trên địa bàn muốn mua một miếng đất trên địa bàn đến UBND xã thì không cung cấp, vô lý quá. Ngăn sông cấm chợ như thế thì không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Đề xuất nếu họ xuất trình được CMND thì cung cấp thông tin cho họ”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nêu nêu ý kiến.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng các cơ quan Nhà nước được cung cấp thông tin do mình tạo ra để đảm bảo tính khả thi và chính xác của thông tin. Còn nếu cơ quan Nhà nước cứ phải cung cấp thông tin mà mình nhận được thì không thể kiểm soát nổi.

“Kinh nghiệm các nước cho thấy, cái gì người ta tạo ra thì người ta cung cấp. Chính luật này quy định, làm sao tránh lạm dụng trong người dân, có những trường hợp khiếu nại tố cáo gay gắt, dai dẳng. Luật cung cấp thông tin cho anh theo yêu cầu lần thứ 2 thôi, từ lần thứ 3 phải cung cấp lý do chính đáng như hoả hoạn mà mất thông tin thì sẽ cung cấp lại. Không thể mở hết được mà phải có ràng buộc, có khoán nhất định”.

Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, Ban soạn thảo vẫn giữ quan điểm đầu tiên nên chỉ dừng lại ở các cơ quan Nhà nước. “Các đơn vị sự nghiệp như bệnh viện, trường học thì họ có quy định hết rồi. Mở rộng ra thì không nên. Trên thế giới có 2 nước mở rộng là Nam Phi và Ấn Độ nhưng tính khả thi rất thấp”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Cơ quan nào dùng ngân sách Nhà nước thì phải công khai thông tin, người dân có quyền hỏi


Ông Phan Trung Lý thì cho biết quy định về chủ thể cung cấp thông tin là vấn đề còn quan điểm khác nhau nhất giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp.

“Bộ Tư pháp cho rằng chỉ trong cơ quan Nhà nước thôi nhưng chúng tôi cho rằng những cơ quan nào dùng ngân sách Nhà nước thì phải công khai thông tin, người dân có quyền hỏi”, ông Lý nói.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh Luật phải làm rõ những loại thông tin nào, của các cơ quan, tổ chức đơn vị nào công dân được quyền tiếp cận. Những thông tin cấm cung cấp cũng phải thể hiện cho minh bạch, rõ ràng.

“Có mở ra chủ thể cung cấp thông tin không? Làm thế nào cũng phải đảm bảo quyền của công dân và tính khả thi. Nếu nói bệnh viện hay trường học có giá niêm yết rồi không cần quy định thì cũng không hẳn đúng. Đây là quyền tiếp cận của dân thì tất cả những chủ thể có ngân sách, Ngân sách đều phải cung cấp”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh./.

Theo Ngọc Thành/VOV