Bộ VH,TT&DL yêu cầu niêm yết giá, công khai tiền công đức trong mùa lễ hội 2016
Văn hóa - Ngày đăng : 15:18, 14/01/2016
Bộ VH,TT&DL có chỉ thị gửi các địa phương về việc phối hợp, siết chặt quản lý trong mùa lễ hội 2016 |
Trong công văn của Bộ, năm 2015, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn bộc lộ những yếu kém cần phải khắc phục như: Biểu hiện thương mại hoá trong lễ hội; lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm quy định của Nhà nước. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố phản cảm; bạo lực, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành, đeo bám khách, làm mất trật tự an ninh còn diễn ra ở một số lễ hội.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa cao, vẫn còn đốt nhiều vàng, mã gây tốn kém, lãng phí, gây nguy cơ cháy, nổ; vẫn còn tình trạng lén lút đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong di tích, lễ hội, vi phạm quy định về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Công tác vệ sinh môi trường một số nơi chưa làm tốt, việc thu gom rác thải chưa kịp thời, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra trong lễ hội.
Để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,T&DL) yêu cầu Giám đốc Sở VH,TT&DL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh/thành; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp thực hiện ngay một số nhiệm vụ nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội.
Cụ thể, các địa phương xây dựng kế hoạch công tác, định hướng quản lý và tổ chức lễ hội theo định kỳ; không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh. Vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội.
Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương chỉ đạo BQL lễ hội phải có các phương án đảm bảo an ninh, tránh xảy ra tình trạng chen cướp lộc, trục lợi (Ảnh: Nghi lễ cướp hoa tre ở Hội Gióng, Hà Nội) |
Đối với những địa phương có nhiều lễ hội, lễ hội lớn thu hút đông người và kéo dài ngày như: Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); Lễ hội Phủ Dày, Đền Trần (Nam Định); Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang); Lễ hội Xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh)… phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối, tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, đảm bảo an ninh trật tự. Các địa phương phải có kế hoạch bố trí bãi trông, giữ phương tiện giao thông phù hợp, tránh ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu, các địa phương cần chỉ đạo Ban Quản lý di tích, BTC lễ hội có phương án quản lý hòm công đức, sử dụng tiền công đức công khai minh bạch; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự.
Các địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.