Nhiều hạn chế cần khắc phục
Giáo dục - Ngày đăng : 06:37, 14/01/2016
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm triển khai đề án do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 13-1, các ý kiến thống nhất nhận định: Sau 3 năm triển khai, đề án đã tạo chuyển biến nhất định song vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Nâng cao trình độ tin học là một trong những mục tiêu của đề án xây dựng xã hội học tập. Ảnh: Thái Hiền |
Chuyển biến chưa toàn diện
Báo cáo sơ kết của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong giai đoạn 2013-2015, quá trình hướng tới 4 mục tiêu của đề án (bao gồm xóa mù chữ; học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; giáo dục kỹ năng sống) đều gặt hái được một số kết quả khả quan. Kết quả nổi bật nhất ở giai đoạn này là việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Khá nhiều chỉ tiêu thuộc mục tiêu này đã vượt so với kế hoạch như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60, tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại...
Kết quả trong giai đoạn này cũng cho thấy sự nỗ lực trong việc thúc đẩy người lao động có ý thức học tập nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình khung bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên các cấp. Ngành Y tế đưa vào luật, quy định mỗi năm mỗi cán bộ y tế phải học tập 24 tiết, nếu không hoàn thành yêu cầu này thì sau 2 năm sẽ bị sa thải. Đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 của toàn quốc đã vượt hơn 11% so với mục tiêu đề án, với mức trên 31%; tỷ lệ người lao động biết ứng dụng công nghệ thông tin đạt 81%, cao hơn 1% so với mục tiêu.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng thể hiện những chuyển biến này còn có sự chênh lệch ở các lĩnh vực, từng địa bàn. Tính đến tháng 12-2015, mới có 12 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu về số cán bộ, công chức được nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ. Đáng chú ý, các chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ, công chức các cấp được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đều thấp hơn so với mục tiêu khoảng 5-6%; đặc biệt là ở cấp xã mới có hơn 90% số cán bộ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, thấp hơn 9,3% so với mục tiêu. Mục tiêu về nâng cao trình độ học vấn cho công nhân lao động cũng còn dừng ở mức khá xa so với kế hoạch đề ra. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, hiện mới chỉ có 70,9% số công nhân lao động có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương, thấp hơn 9,1% so với mục tiêu đề án. Chỉ tiêu về tỷ lệ công nhân lao động qua đào tạo nghề của cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 70% trong khi mục tiêu đề ra trong giai đoạn này là 85%.
Lỏng lẻo trong phối hợp
Tổng hợp đánh giá từ các bộ, ngành, địa phương và phân tích thực tế, một trong những bài học kinh nghiệm được xác định cần lưu tâm trong quá trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn tiếp theo là "phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân trên khắp mọi miền".
Thực tế 3 năm triển khai đề án cho thấy, sự phối hợp giữa các lực lượng trong việc tạo cơ hội, ý thức cho người dân học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, tỷ lệ công nhân lao động qua đào tạo còn thấp so với mục tiêu. TS Nguyễn Văn Ngàng (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng trong quá trình triển khai, các cấp công đoàn đôi khi chưa xác định rõ chức năng của mình; một số ngành, địa phương, doanh nghiệp còn coi chủ trương nâng cao trình độ học vấn cho công nhân lao động thuần túy chỉ là một cuộc vận động; phía người lao động chưa có ý thức tự học, chưa nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm trong việc học tập nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, do cường độ lao động căng thẳng, do áp lực mưu sinh, nhiều công nhân lao động đã hy sinh thời gian được nghỉ, tranh thủ làm thêm giờ để tăng thu nhập nên không có thời gian học tập. Liên quan đến vấn đề phối hợp, TS Nguyễn Ngọc Vân (Vụ trưởng Vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ) chỉ ra rằng, mỗi mắt xích trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng còn tồn tại nhiều bất cập: Chương trình bồi dưỡng chưa xuất phát từ yêu cầu công việc; chương trình, tài liệu còn nặng về lý thuyết, lạc hậu... Đáng chú ý, ngân sách dành cho công tác đào tạo ở nhiều địa phương mới chỉ đáp ứng được 30-50% so với nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xác nhận, sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai đề án "Xây dựng xã hội học tập" trong thời gian qua chưa đồng bộ, nhất là ở cấp địa phương. Theo Bộ GD-ĐT, đây là bài học kinh nghiệm, cũng là giải pháp cốt lõi trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 nhằm nước ta trở thành một xã hội học tập, mọi người dân đều có ý thức và được tạo thuận lợi để học tập thường xuyên, suốt đời như mục tiêu đề ra trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Xóa dần ranh giới giữa giáo dục chính quy và phi chính quy Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Nét mới trong quá trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn tới là cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sẽ điều chỉnh theo hướng dần xóa nhòa ranh giới giữa giáo dục chính quy và không chính quy, tạo cơ hội học tập linh hoạt cho người học. Nội dung này đang từng bước được triển khai. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bộ GD-ĐT chỉ cấp một loại bằng tốt nghiệp, không phân biệt đối với thí sinh học bổ túc và THPT; việc dạy nghề cho HS phổ thông là nhiệm vụ chung của trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp. |