Syria đối mặt với thảm họa nhân đạo
Thế giới - Ngày đăng : 06:03, 14/01/2016
Người dân ở thị trấn Madaya đang trông chờ lương thực cứu trợ. |
Kể từ tháng 7-2015, thị trấn vùng biên Madaya, nằm ở phía Bắc thủ đô Damascus, bị mắc kẹt trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy khiến hoạt động cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Theo Liên hợp quốc (LHQ), có khoảng 400.000 người sống ở 15 khu vực bị bao vây ở Syria đang trước nguy cơ chết đói. Riêng thị trấn Madaya có khoảng 42.000 người không đủ hoặc không có thức ăn trong suốt 6 tháng qua. Nhiều người còn không nhớ mùi vị miếng thịt như thế nào. Thay vào đó, cỏ và lá cây thành nguồn thực phẩm chính để nuôi sống họ. Thế nhưng, chỉ những người khỏe mạnh mới trụ được bằng cách này. Đến nay, lương thực đã cạn nên giá cả bị đội lên chóng mặt. Vì thế, nhiều trẻ em và người già yếu đã chết vì đói.
Nhằm cứu trợ khẩn cấp những người dân đang đói tại Madaya trong vòng vây chiến sự, ghi nhận của báo giới địa phương 48 giờ qua cho biết, những xe hàng cứu trợ đầu tiên đã tới đây. Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Syria cho biết, 44 xe tải chở lương thực và hàng viện trợ thiết yếu khác tối 11-1 đã tiến vào thị trấn Madaya - hiện do lực lượng nổi dậy kiểm soát - trong khi 21 xe khác cũng đã tới hai ngôi làng Fuaa và Kafraya ở tỉnh Idlib (Tây bắc Syria) do lực lượng Chính phủ kiểm soát nhưng bị quân nổi dậy bao vây. Văn phòng Điều phối viện trợ nhân đạo của LHQ (OCHA) đã kêu gọi các bên tham gia xung đột ở Syria không gây trở ngại để các đoàn xe cứu trợ vào các khu vực bị phong tỏa.
Các nhà ngoại giao tại LHQ cho biết, khoảng 400 người dân cần được sơ tán ngay khỏi Madaya để chăm sóc y tế. Theo Chương trình lương thực của LHQ (FAO), các đoàn xe cứu trợ sẽ cung cấp đủ lương thực để duy trì sự sống cho hơn 40.000 người trong vòng một tháng. Những chuyến hàng viện trợ thuốc men và nhu yếu phẩm sẽ được chuyển tới sau, trong tuần này. Thế nhưng, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) bày tỏ quan ngại khi số thuốc men cũng như các thiết bị phẫu thuật cấp cứu chỉ có thể đủ dùng cho 3 tháng và thời gian tới sẽ ra sao thì người dân nơi đây lại phải trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính phủ Syria cũng như cộng đồng quốc tế.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) đóng trụ sở ở Anh mới đây công bố báo cáo cho biết, trong năm 2015 tại Syria có 55.219 người thiệt mạng, trong đó có 13.249 dân thường. Trong số những nạn nhân thiệt mạng, có tới 2.574 trẻ em. Số người thiệt mạng trong năm 2015 dù thấp hơn so với 76.021 người của năm 2014 song đây vẫn là con số đáng báo động trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua tại Syria vẫn chưa tìm được lối thoát. Kể từ khi Syria bước vào cuộc nội chiến hồi tháng 3-2011, đến nay đã có 260.758 người thiệt mạng.
Thị trấn khốn khó Madaya là một trong nhiều thị trấn ở đất nước bị xé nát bởi xung đột, đang kiệt quệ mỗi ngày vì chiến tranh và bạo lực. Câu chuyện đau lòng ở Madaya chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn hơn về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi cuộc phong tỏa các thành phố nơi lực lượng ly khai chiếm đóng chưa được dỡ bỏ, khiến lương thực, nguồn nước bị cắt đứt. Hơn bao giờ hết, những người dân vô tội là nạn nhân đầu tiên của nạn đói trầm trọng này. Thảm cảnh tại Madaya một lần nữa cho thấy, chiến tranh và xung đột đã đẩy hàng triệu người dân Syria vào vòng xoáy của bạo lực, nghèo đói và lạc hậu. Thực tế này đang đặt gánh nặng rất lớn lên vai các nhà đàm phán quốc tế, những người đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Dự kiến cuộc đàm phán hòa bình về Syria sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 này tại Vienna (Áo) giữa Chính phủ nước này và các nhân vật thủ lĩnh phe đối lập. Cuộc hòa đàm sẽ là bước đầu tiên của kế hoạch 18 tháng đầy tham vọng do LHQ làm trung gian nhằm đem lại một giải pháp chính trị cho Syria.