Năm 2016 - nhiều triển vọng tăng trưởng kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 14:32, 13/01/2016
Việt Nam có thể đứng thứ 9 thế giới về tốc độ tăng GDP
Theo nhóm nghiên cứu EIU (Economist Intelligence Unit), GDP Việt Nam được dự báo tăng xấp xỉ 7%, tương đương mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội đề ra. Với tốc độ này, Việt Nam đứng thứ 9 trong nhóm nước có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.
Còn theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 sẽ đạt 6,6% (gần sát với mục tiêu kế hoạch của Chính phủ là 6,7%). Tuy nhiên, những rủi ro mà WB cảnh báo Việt Nam có thể sẽ gặp phải đó là quá trình tái cơ cấu chậm chạp, nợ xấu chưa được xử lý triệt để (cho dù tỷ lệ nợ xấu có nằm dưới 3% theo báo cáo của Chính phủ).
Tỷ lệ lạm phát được dự báo tiếp tục nằm ở mức thấp vì theo các dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, giá dầu thế giới không có xu hướng tăng trong nhiều năm tới vì nguồn cung dầu đang dư thừa và các nước cũng không biết Iran sẽ còn tung ra thị trường bao nhiều thùng dầu nữa sau khi các nước phương Tây gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này.
Theo số liệu thống kê của Vietnam Report qua đợt khảo sát các doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 2015 tháng 11/2015 vừa qua, có tới 47% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2016 sẽ tiếp tục được duy trì ở mức ổn định, theo sát tỷ lệ đó là 43% số doanh nghiệp tin rằng tình hình SXKD sẽ được cải thiện giúp doanh nghiệp đạt được những kết quả kinh doanh tốt nhất.
Nhìn chung, các yếu tố quốc tế tương đối thuận lợi cho kịch bản tốt nhất của nền kinh tế là tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Nhưng kịch bản này khả thi đến đâu còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trước ngưỡng cửa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực.
Hội nhập kinh tế sâu rộng mang lại nhiều thách thức cho DN. Ảnh minh họa từ internet |
Năng lực cạnh tranh sẽ quyết định thành, bại trong hội nhập
Hội nhập Cộng đồng ASEAN từ năm 2016 sẽ góp thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập TPP ở mức cao hơn. Như vậy, sẽ có cả cơ hội và thách thức đan xen. Thách thức cũng có thể trở thành cơ hội mới để nâng sức cạnh tranh kinh tế nếu nhà nước và doanh nghiệp đều nỗ lực.
Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp nội địa thuần Việt nếu không cố gắng vươn lên trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách kinh tế và chính trị thì các lợi ích của TPP sẽ “rơi” vào khu vực FDI và các đối tác bên ngoài. Tận dụng được cơ hội mới của TPP nhiều hay ít phụ thuộc vào chính chúng ta.
TPP với 12 nước thành viên, trong đó có những nước ở trình độ phát triển cao như Mỹ, Nhật, Singapore và một số nước có trình độ phát triển thấp hơn như Chile, Peru, Mexico, Malaysia. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp hơn cả. Điều đáng nói, các nước thành viên của TPP có những mặt hàng xuất khẩu có tính cạnh tranh cao rất đa dạng từ các mặt hàng công nghiệp, chế tác, chế tạo cho đến các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản. Vì vậy, các sản phẩm của nước ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước thành viên.
Theo như kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn đã từng thực hiện giao dịch với các bạn hàng thuộc khối TPP, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong những lần hợp tác này liên quan đến yêu cầu về chất lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã của nước bạn thường rất cao, chiếm 29,36% ý kiến của doanh nghiệp phản hồi. Tiếp đến là các khó khăn liên quan đến tiêu chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm với 25,96% số doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài ra điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam còn bộc lộ ở hoạt động nghiên cứu thị trường và khả năng nắm bắt thông tin so với các doanh nghiệp của các quốc gia khác trong khối.
Trước ngưỡng cửa TPP, nền kinh tế nước ta đang tương đối ổn định và xu hướng tăng trưởng khá bền vững. Tuy nhiên, các nhân tố tạo nên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thể chế, giáo dục và đào tạo bậc cao, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, tính sẵn sàng về mặt công nghệ, phát triển thị trường tài chính, hiệu quả thị trường hàng hóa thì nước ta lại thua kém các nước trong khu vực và các nước thành viên của TPP; trong khi đó năng lực cạnh tranh mới là yếu tố quyết định đến thành bại của quá trình hội nhập.