Hiển hiện nguy cơ thiếu nước

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 13/01/2016

(HNM) - Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, tình hình khô hạn đang bắt đầu hoành hành khu vực Nam Bộ, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.



Theo bà Lan, nguyên nhân là mùa mưa năm 2015 thiếu hụt tới 30 - 40% lượng nước, mùa mưa đến trễ hơn thường lệ nhưng lại kết thúc sớm. Hiện TP Hồ Chí Minh đang bước vào thời điểm khô hạn nhất trong năm. Trong thời gian tới có thể xảy ra vài cơn mưa trái mùa nhưng không thể bù đắp lượng nước bị thiếu hụt.

Chủ động phương án dự trữ nguồn cung mới bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt.


Thực tế, từ cuối năm 2014 đến nay, lượng mưa, dòng chảy trên hệ thống sông ngòi đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở hầu hết khu vực phía Nam. Hiện tại, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đối với hồ Dầu Tiếng - thượng nguồn khu vực TP Hồ Chí Minh - mực nước hồ đo giữa tháng 11-2015 đạt cao trình 22,46m, thấp hơn cùng kỳ năm trước 2,15m. Với nguồn tích trữ hiện tại, cùng với những dự báo khí tượng thủy văn sắp tới, các cơ quan chức năng cho rằng, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ đe dọa các vụ mùa năm 2015 - 2016 ở toàn bộ khu vực phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

Số liệu từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh), đo đạc về xâm nhập mặn tại huyện Nhà Bè vào tháng 12-2015 bình quân là 4,7‰, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng tới 80% so với nhiều năm trước. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, nồng độ mặn sẽ tiếp tục tăng và dao động cao hơn trong thời gian tới. Từ nay đến tết Nguyên đán còn 2 đợt triều cường lớn nên xâm nhập mặn sẽ lấn sâu hơn vào trong nội đồng khu vực TP Hồ Chí Minh.

Trước tình hình trên, TP Hồ Chí Minh đang triển khai phương án chủ động phòng, chống hạn hán năm 2015 - 2016 trên địa bàn. Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho rằng, hạn hán năm nay có khả năng gây các tác động bất lợi đến hệ thống cấp nước thành phố như gián đoạn hoạt động khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch cho toàn thành phố. Hiện Sawaco đang nghiên cứu lập phương án xây dựng hồ dự trữ nước thô cho nguồn nước sông Sài Gòn để ứng phó với trường hợp chất lượng nguồn nước thô thay đổi theo chiều hướng xấu. Phương án này cũng giúp cung cấp liên tục nước thô khi xảy ra các sự cố bất thường. Theo ông Bùi Thanh Giang, mùa khô năm 2016, việc tiếp nhận Nhà máy nước Thủ Đức 3 (quận Thủ Đức) và Tân Hiệp 2 (huyện Củ Chi) sẽ tăng đáng kể lượng nước đưa vào hệ thống, tạo thuận lợi cho việc điều tiết, phân phối nguồn nước sinh hoạt hợp lý hơn.

Trong khi đó, Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh đã thống nhất với các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, nếu xảy ra trường hợp thời tiết cực đoan nhất, hai đơn vị này sẽ ngưng cung cấp nước tưới cho mục đích nông nghiệp, chỉ cấp nước cho mục đích sinh hoạt và công nghiệp. Song song đó, khuyến cáo người dân hạn chế lượng nước tưới tiêu, cũng như không mở rộng các vùng tưới mới, sử dụng nước một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên: sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Đối với hai vụ mùa trọng điểm là đông xuân và hè thu năm 2015 - 2016, UBND thành phố yêu cầu bố trí diện tích và cơ cấu hợp lý dựa trên năng lực nguồn nước tưới hiện có.

Nguyễn Lê