Chính trường Venezuela: Căng thẳng leo thang
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:05, 13/01/2016
TSJ cho rằng các quyết định Quốc hội đã và sẽ đưa ra sẽ không có giá trị nếu những nghị sĩ bị cấm này vẫn còn tại nhiệm. Tuy nhiên, ngay sau quyết định của TSJ, 112 nghị sĩ MUD, trong Quốc hội gồm 167 ghế, khẳng định sẽ tiếp tục làm việc, bất chấp phán quyết của cơ quan tư pháp.
Khan hiếm thực phẩm đang khiến cuộc sống người dân Venezuela lâm vào khó khăn. |
Hồi tháng 12-2015, TSJ đã cấm 4 nghị sĩ gồm 3 người thuộc liên minh MUD và một liên minh với chính phủ, tuyên thệ nhậm chức sau khi đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền tố cáo đã xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội - cũng trong tháng 12 - tại bang Amazonas nơi các chính trị gia này tranh cử. Nhưng, phớt lờ quyết định của TSJ, những người đứng đầu Quốc hội - đều thuộc liên minh MUD - đã làm lễ nhậm chức cho 3 nghị sĩ thuộc phe đối lập nói trên hôm 6-1 vừa qua. Với 3 nghị sĩ này, MUD đã tập hợp đủ 2/3 số ghế tại Quốc hội nhằm mở đường cho các thủ tục pháp lý phế truất Tổng thống Nicolas Maduro trong vòng 6 tháng tới.
Như vậy, quốc gia Nam Mỹ này đang không chỉ chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - xã hội mà còn bị "lôi kéo" và bất ổn chính trị khó lường. Giá dầu giảm sâu và chính sách quản lý kinh tế bị phe đối lập cho là sai lầm, được xem là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay ở Venezuela. Và, sự bất ổn còn có nguy cơ rơi vào bế tắc khi MUD vừa thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm, phe đối lập thắng đảng cầm quyền của cố Tổng thống Hugo Chavez. Việc MUD nắm quyền kiểm soát Quốc hội cho phép đảng này ngăn cản triển khai các chính sách của Tổng thống đương nhiệm N.Maduro cũng như tiến hành trưng cầu dân ý về các dự luật, thỏa thuận và cả thỏa ước quốc tế. Nói cách khác, sự kiện trên đã mở ra cuộc đấu quyền lực mới giữa phe đối lập và Tổng thống N.Maduro trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela ngày càng nghiêm trọng.
Thực ra, cuộc bầu cử Quốc hội (12-2015) được xem là sự "trừng phạt" của các cử tri với chính phủ do họ đã quá thất vọng về tình trạng bất ổn kinh tế. Việc thiếu các biện pháp kiên quyết giải quyết tình trạng lạm phát phi mã, khan hiếm hàng hóa, thâm hụt ngân sách không chỉ làm suy yếu chính phủ mà còn làm suy yếu Quốc hội, vốn không thể giải quyết hiệu quả những vấn đề nan giải của đất nước. Kinh tế Venezuela suy giảm 10% trong năm 2015, lạm phát ở mức 250% và tình trạng khan hiếm hàng hóa đã đến mức báo động. Nhiều chuyên gia cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực ở đất nước này do nhà nước không còn đủ nguồn lực để nhập khẩu lương thực. Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống N.Maduro vì thế cũng suy giảm đáng kể. Trong khi đó, hàng triệu người dân Venezuela vẫn luôn hướng về vị lãnh tụ tiền nhiệm quá cố H.Chavez vì uy tín và những chính sách xã hội mà ông mang lại nhờ nguồn thu từ dầu mỏ.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà phân tích cho rằng chính phủ có nhiệm vụ phải giải quyết những khó khăn cơ bản như: chính sách kinh tế vĩ mô và tỷ giá đồng nội tệ; điều tiết giá cả và thay đổi hệ thống phúc lợi. Tất cả điều này đều đòi hỏi Quốc hội phải thông qua. Thế nhưng, nếu phe đối lập nắm quyền kiểm soát tại Quốc hội từ chối thông qua các quyết sách của chính phủ, thì nội các đương nhiệm của Venezuela sẽ không thể làm được gì. Rõ ràng, không có sự hợp tác giữa MUD đối lập và PSUV cầm quyền, tình hình Venezuela sẽ càng căng thẳng trầm trọng. Do vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Cuba, Colombia và Mexico đã lên tiếng kêu gọi sự hợp tác giữa chính quyền và Quốc hội mới của Venezuela. Đây là thời điểm cả phe đối lập lẫn giới cầm quyền Caracas cần phải xác định làm thế nào để đưa đất nước thoát khỏi khó khăn hiện nay bằng cách bắt tay thay vì lao vào một cuộc tranh giành quyền lực. Đây cũng là cục diện mà người dân Venezuela đang mong muốn.