Báo ơn cuộc đời!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:01, 13/01/2016

(HNM) -

Chị Ngô Thị Thúy Hằng đã được tiếp cận hàng ngàn, hàng vạn dòng thư của những người lính suốt hơn chục năm tham gia tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ. Những tâm tư, mong ước giản đơn mà chân thành ấy đã và đang là động lực thôi thúc chị không ngừng nghỉ trên hành trình đã chọn - hành trình xoa dịu nỗi đau, tri ân người ngã xuống cho Tổ quốc, để những người con, người cha, người anh ấy, mất đi nhưng còn sống mãi!

Chị Ngô Thị Thúy Hằng trong một buổi trợ giúp pháp lý miễn phí cho thân nhân liệt sĩ.


Lời hứa từ tâm nguyện

Đời người có những ngã rẽ bất ngờ mà người ta thường gọi là cơ duyên hay số phận như câu chuyện của chị Ngô Thị Thúy Hằng. Tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, tuổi đời phơi phới với bao hoài bão và khát vọng. Thế rồi Thúy Hằng bỏ ngang công việc, sự nghiệp để đi tìm mộ liệt sĩ, trợ giúp những người mẹ, người vợ, người con tìm lại người thân đã bỏ xương, máu nơi chiến trường. Quyết định đó của chị khiến nhiều người ngỡ ngàng ái ngại bởi ai cũng hiểu, việc chị định dấn thân là vô cùng khó khăn.

Nói về bước ngoặt đầy bất ngờ ấy, chính chị Hằng cũng thừa nhận, nếu không phải là số phận thì chị bây giờ sẽ khác bởi trong kế hoạch cuộc đời chưa bao giờ nghĩ đến điều này. "Năm 2004, khi cùng người nhà mòn mỏi khắp nơi tìm kiếm phần mộ người thân là liệt sĩ, mình vô tình biết một nhóm sinh viên, đang manh nha xây dựng "trang web" nhắn tìm đồng đội, mà không khỏi vui mừng". - Chị tâm sự. "Bác ruột của mình hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ đến nay còn chưa biết nằm đâu, mình hiểu nỗi đau đớn cũng như cảm giác vô vọng mà thân nhân liệt sĩ phải chịu đựng. Dù không có thông tin chính xác cũng như phương pháp, kỹ năng tìm kiếm, hằng năm, hằng tháng, biết bao gia đình vẫn lao đi tìm người thân chỉ vì không thể yên lòng sống tiếp. Một tia hy vọng mong manh, một đầu mối mờ mịt cũng khiến người ta khấp khởi đến mất ăn, mất ngủ".

Không thể yên lòng với suy nghĩ "nỗi đau chiến tranh vẫn hiển hiện trong mỗi gia đình còn trông ngóng người thân", lại thấy được hiệu quả kết nối mà trang web mang lại, Ngô Thị Thúy Hằng quyết định hợp sức với nhóm sinh viên kể trên, cùng tìm về các nghĩa trang liệt sĩ tập hợp thông tin, tìm hiểu phương pháp giải mã phiên hiệu, xây dựng cơ sở dữ liệu với hy vọng cung cấp một công cụ hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho các gia đình liệt sĩ. Để toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp này, chị bỏ việc dù đang ổn định với mức lương cao, chấp nhận làm những việc thời vụ, bán thời gian để "lấy ngắn nuôi dài".

Vào những năm 2004-2005 khi dự án nhắn tìm đồng đội bắt đầu hòa mạng, rồi nhanh chóng "bắt được tín hiệu" là những phản hồi tích cực từ thân nhân liệt sĩ. Năm 2008-2009, dự án trưởng thành thêm một bước với trình duyệt mới, ưu việt hơn nhưng khó khăn cũng dồn dập tìm đến: Nhóm sinh viên lần lượt rời bỏ bởi "dù yêu lắm nhưng chúng em còn cuộc sống, sự nghiệp"; chị Thúy Hằng ngã bệnh vì lao lực; tiền dành dụm cho dự án cạn dần… "Chẳng lẽ lại bỏ? chẳng lẽ việc này đúng là quá sức như nhiều người từng can ngăn?...". Không ít lần chị thấy bế tắc mà tự vấn như vậy! Lúc này, lời hứa với người bác ruột, sự đau đáu của những gia đình thân nhân liệt sĩ chị từng tiếp xúc và nhất là những trang thư nhem khói bụi chiến trường, ố vàng màu thời gian, một lần nữa, lại trở thành điểm tựa cho chị…

Chị Thúy Hằng loay hoay tìm hướng giải quyết và thật may, như chị tâm niệm, mỗi khi có khó khăn, chị đều gặp được đúng người, đúng việc để giúp chị vượt qua. "Như thời điểm cuối năm 2011 mình bế tắc kinh khủng vì không có cơ sở pháp lý nào cho mình được chính danh, nói đúng là không có tư cách pháp nhân để làm việc. May sao, mình gặp được Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp đúng lúc cô đang triển khai mô hình trợ giúp người nghèo. Nghe mình trình bày, cô sẵn lòng để mình tham gia mảng việc hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trên cơ sở các dự án đang triển khai. Cảm giác lúc đó như được nhấc giúp tảng đá trên lưng vậy". Ngay sau đó, chị Thúy Hằng bắt tay thực hiện các ý tưởng đang ấp ủ, hình thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý miễn phí cho thân nhân liệt sĩ (Trung tâm Marin), khởi động các dự án mới như: Phổ biến kiến thức tìm liệt sĩ (bắt đầu từ năm 2013, thông qua các kênh: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua tổng đài, qua Đài Tiếng nói Việt Nam và tư vấn lưu động tại các địa phương); hỗ trợ pháp lý trong điều chỉnh bia mộ (khởi động vào tháng 2-2014); Dự án "Tiếp lửa anh hùng" (tháng 11, 12-2015)… song hành với các dự án đã triển khai như: Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến, nhắn tìm đồng đội.

Vất vả với công việc nghĩa tình, lại phải tranh thủ nhận việc làm thêm, bán hàng online, tạo nguồn hoạt động, song với chị Thúy Hằng, mọi nỗ lực đều không uổng phí. Đó là những thành quả mà các dự án thu về, thể hiện bởi những con số ấn tượng: Hơn 900 nghìn hồ sơ liệt sĩ được số hóa; 27 buổi tư vấn lưu động được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố với hàng nghìn lượt người tham dự; 5 nghìn lượt thân nhân liệt sĩ được tư vấn trực tiếp; 59 phần mộ liệt sĩ được điều chỉnh thông tin; gần 100 học sinh tham dự Hành trình tiếp lửa anh hùng tại Quảng Trị…

Vơi đi những nỗi đau!

Chỉ mới đây thôi, qua điện thoại, chị Hằng lại được đón nhận niềm vui từ một gia đình liệt sĩ. "Cô ơi, cả nhà tôi cứ rộn ràng hết cả… Một tuần nay tôi đã "máy mắt" rồi. Tối qua nhận được mail của UBND xã gửi về thông tin liệt sĩ…". Thông tin lộn xộn, không đầu không cuối, lẫn giữa tiếng khóc, cười xôn xao khiến người nghe không ngăn nổi dòng nước mắt vì hạnh phúc. Chị nói: "Là gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Tấc gọi. Chú Tấc đi bộ đội rồi hy sinh nhưng do thông tin bia mộ, thông tin trích lục, rồi thực tế sai lệch nên suốt bao năm người nhà chú vẫn đau đáu ngóng tìm". Sau khi Trung tâm Marin huy động cộng tác viên rà soát, khớp nối các dữ liệu, xác định phần mộ của liệt sĩ Hoàng Văn Tấc bấy nay bị ghi thành họ Nguyễn, nhất là những câu chuyện, đặc điểm đi kèm đều chính xác, đại diện trung tâm đã thông tin với gia đình để về địa phương nhận mộ. "Những phản hồi như thế này, trong nhiều năm qua mình vẫn thường xuyên nhận được nhưng không hiểu sao vẫn thấy xúc động, vẫn khóc ngon lành" chị trải lòng trong mạch cảm xúc: "Nói thật chẳng tin chuyện "máy mắt, nháy tai" đâu nhưng niềm vui này là có thật, nó khiến những mỏi mệt thường ngày trong mình tiêu tan...".

"Vui nhiều mà nỗi niềm cũng không ít đâu", Ngô Thị Thúy Hằng bộc bạch: "Cách đây không lâu, mình về một xã ở Mỹ Đức, tư vấn lưu động cho người địa phương. Nhiều người cầm tay mình khóc - cô ơi, nếu biết cô trước mấy năm, dân làng tôi đỡ tốn công, mất của mà không đạt kết quả. Anh cán bộ chính sách ở đây cũng than, nhà tôi theo ngoại cảm, tìm mộ cha, chú. Đưa được về một thời gian mới biết nhận nhầm. Giá Hằng về sớm… Trước đó, mình đi cùng người nhà liệt sĩ, về địa phương xin xác minh, điều chỉnh thông tin. Không biết chú đó nghe ai kể chuyện mà một, hai nhất định dúi mình tiền vì "Chú cứ tưởng các cháu được nước ngoài tài trợ…". Đến khi mình phải khóc cùng chú, chú mới không ép nữa".

Nói tới phần việc bản thân dốc tâm, dốc sức, thậm chí quên cả hạnh phúc cá nhân để theo đuổi bao năm, chị Thúy Hằng bày tỏ: "Thầy giáo gom trò nghèo về dạy. Bác sĩ tìm người bệnh để chạy chữa miễn phí… Nhiều người, cuộc sống không dư dả, vẫn tìm mọi cách để hỗ trợ những cảnh đời, phận người còn khó khăn, khổ sở hơn mình. Mỗi người, mỗi cách, mỗi trường hợp, mỗi cơ duyên song tựu trung lại, dường như tất cả đều vì mục đích báo ân cuộc đời, mong cuộc đời thêm ngọt bùi, ý nghĩa. Việc mình làm cũng không ngoài mong muốn đó!"

Thanh Thủy