Nơi đam mê đấu bò còn mãnh liệt hơn cả Tây Ban Nha

Văn hóa - Ngày đăng : 20:01, 12/01/2016

(HNMO) – Người dân xứ Tamil Nadu, Nam Ấn hy vọng có thể đón Lễ hội mùa gặt dịp Năm mới tới đây bằng cuộc thi “thuần bò tót” truyền thống một lần nữa. Nói là “hy vọng” vì môn thể thao có tên Jallikattu được người dân ưa thích qua hàng ngàn năm đã bị cấm hoạt động kể từ năm 2014 do các nhà hoạt động vì động vật phản đối dữ dội. .


Cho đến thời điểm này, các đảng chính trị và người ủng hộ môn thể thao Jallikattu vẫn giữ hy vọng rằng chính phủ Delhi sẽ có động thái sửa đổi luật để đưa cuộc thi đấu bò trở lại vào đúng mùa lễ hội giữa tháng Một năm 2016.


Đây là khung cảnh khá quen thuộc của lễ hộ bò tót trước năm 2014. Con bò tót này được ấn định sẽ nhận phần thua trong trận đấu cuộc thi “Manju Virattu” (một phiên bản khác của Jallikattu).

Trong trận đấu, con bò sẽ lao tự do vào đám đông vây quanh trong khi người trực tiếp thi đấu cố gắng giành lấy cuộn tiền hoặc giải thưởng đã được gắn vào sừng bò trước đó. Do tính nguy hiểm của nó mà những năm gần đây, chính phủ đã đặt ra nhiều điều luật để đảm bảo sự an toàn cho người thi đấu, khán giả cũng như là con vật.


Người dân ở Tamil còn tự hào treo biển hiệu bên ngoài đấu trường rằng: “Đây là đấu trường nổi tiếng thế giới ở Alanganallur”. Tuy nhiên kể từ sau lệnh cấm, không khí nơi đây trở nên ảm đạm lạ thường.


Những chú bò đến mùa thi đấu vốn phải bận rộn hơn bao giờ hết thì nay lại chỉ yên phận nhàm chán trong các khu chuồng. Các cuộc biểu tình được tổ chức ở khắp các tiểu bang ở Ấn Độ với sự tham gia của các đảng chính trị lẫn các tổ chức văn hoá bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể kêu gọi từ bỏ lệnh cấm. Họ cho rằng Jallikattu là một truyền thống văn hoá không thể thiếu được.


Tại vùng Palamedu gần thị trấn Madurai (Ấn Độ) tháng trước đã xuất hiện một người dân đặc biệt đến cầu nguyện những trận đấu bò tót sẽ quay trở lại trong năm nau.

Để chào đón một lễ hội mùa vụ mới, người dẫn sẽ sắm sửa cho mình những bộ quần áo mới, trang hoàng nhà cửa, đường phố với những vòng hoa đầy màu sắc và họ sẽ gửi những lời cầu nguyện đến với Mẹ thiên nhiên và các đấng tối cao. Những ngôi làng đăng cai tổ chức lễ hội đấu bò cũng mong mỏi từng ngày trở về với công việc mà họ đã làm hàng trăm năm trước.


Trong trận đấu, mọi ánh mắt đều đổ về phía con bò - với niềm tin là người tham gia thi đấu mang tinh thần của một anh hùng cùng niềm kiêu hãnh để đối diện với những nguy hiểm. Theo điều lệ mới từ những năm trước, các đấu sĩ trẻ, khoẻ tham gia phải vận những bộ đồng phục khác nhau.

Trong suốt khoảng thời gian tổ chức lễ hội, người ta sẽ quen với việc chứng kiến hàng trăm người đàn ông chạy đuổi theo một con bò, bám chặt vào bướu của nó để lấy được những cuộn tiền hoặc vàng được gắn vào chiếc sừng nhọn hoắt. Không giống như các trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha, những con bò trong lễ hội Jallikattu không bị giết mổ và những đấu sĩ không được dùng bất kỳ một loại vũ khí nào để hại con bò.

Lễ hội tổ chức với lý tưởng thuần phục và chi phối con vật đã được hình thành từ cách đây 2000 năm và là một môn thể thao lâu đời nhất vẫn còn được ưa chuộng cho đến ngày nay. Ở một số nơi, các cuộc đấu bò được tổ chức vào tháng Một nhưng ở nhiều ngôi làng thuộc vùng Nam Ấn, sự kiện văn hoá này lại xuất hiện ở nhiều lễ hội từ tháng Một cho đến tháng Sáu.


Đây là hình ảnh những con bò đã sẵn sàng để thi đấu - những nhà hoạt động vì quyền động vật phản ánh rằng việc giữ đàn bò ở không gian hẹp, thiếu không khí sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của chúng.


Họ còn chỉ ra hành động kéo đuôi bò trong cuộc thi là vô cùng tàn nhẫn. Theo đó, Toà Án Tối Cao cũng lên án việc sử dụng con vật trong môn thể thao này khiến chúng tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần và là hành vi phạm tội theo luật Phòng chống hành động tàn ác đối với động vật.


Trong những năm qua, rất nhiều người đã bị bò húc hay chà đạp cho đến chết trong các cuộc thi. Hàng trăm người bao gồm cả khán giả đã bị thương và không thể tự bảo vệ được mình trước cơn giận dữ của những con bò hung hãn.


Trong luật lệ của Jallikatu, con bò tót sẽ được thả từ chuồng và đấu sĩ sẽ phải giữ cái bướu của con vật trong khi nó chạy khoảng 15-20 mét hoặc trong vòng ba bước nhảy của con bò mới có thể lấy được giải thưởng.

Đấu sĩ phải tập luyện hoặc sử dụng một ít đồ uống cồn đề vững tâm hơn. Tuy nhiên, người thi đấu không được say xỉn, họ sẽ bị cấm tham gia cuộc thi trong thời gian tổ chức lễ hội. Điều đáng sợ ở đây cũng giống như ở những cuộc đấu bò khác, khi con vật giận dữ lao vào đám đông với chiếc sừng nhọn hoắt thì những đấu sĩ và khán giả cũng phải có phản xạ nhanh nhẹn và sắc bén không kém để tránh xa khỏi chúng. Người muốn sở hữu chú bò vô địch phải là người có uy tín và có nhiều tiền để duy trì chế độ sống đặc biệt cho chú bò đó.


Người có thể thuần hoá được con bò như người đàn ông trên được dân làng tôn trọng và tôn vinh thành anh hùng của làng. Chủ tịch của hiệp hội Tamil Nadu Jallikattu chia sẻ: “Đấu bò là một phần không thể thiếu trong truyền thống văn hoá của chúng tôi hàng thế kỷ qua. Mặc dù chúng tôi đã chấp nhận thay đổi luật lệ của môn thể thao cho phù hợp với lệnh của toà án ban hành trước đó nhưng cuối cùng, hoạt động này vẫn bị cấm. Chúng tôi thực sự rất buồn”.


Ông cũng phủ nhận lời cáo buộc rằng đàn bò bị lạm dụng và đối xử tệ. “Chúng tôi đã cố gắng thực hiện nghiêm ngặt mọi quy định để đảm bảo phúc lợi cho đàn bò và người đấu sĩ sau khi toà án can thiệp năm 2008. Vậy nên chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao Toà án Tối cao lại thông qua lệnh cấm hoạt động”.

Những người tham gia đấu bò cùng những tiến ồn giận dữ của đám đông đảm bảo sẽ kích động thần kinh của con bò ngay khi nó đặt chân vào đấu trường.

Tổ chức hoạt động vì quyền lợi động vật cho biết những con bò đôi khi bị ép uống rượu tự ngâm và bị vẩy bột ớt vào mắt, tai và miệng. Ở một số nơi, đuôi bò còn bị cắn hay tinh hoàn của chúng sẽ bị chèn ép vào để khiến chúng hăng máu hơn.

Sau khi nhận phản đối kịch liệt, chính quyền địa phương đã đặt ra một số luật lệ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo những con vật sẽ không bị ngược đãi nữa và mọi người sẽ được an toàn. Từ đó, những con bò phải được đăng kí, chụp ảnh và được bác sĩ thú y kiểm tra sức khoẻ mới trước khi tham gia thi đấu. Ngoài ra sức khoẻ của con bò sẽ được kiểm tra chéo một cách chi tiết trước khi bước chân vào đấu trường.


Những người chủ nuôi bò cho biết, chúng vẫn trong chế độ tập luyện thường xuyên để giữ vóc dáng và sức mạnh cho trận đấu. Nếu lệnh cấm được bác bỏ, những thí sinh bốn chân sẽ sẵn sàng ngay cho mùa lễ hội tháng Một. Những trận đấu thường thu hút rất nhiều người dân hiếu kỳ tham gia, đặc biệt ở lễ hội Manju Virattu nơi những con bò thường thất thế trước sự đông nghẹt của khán giả và đấu sĩ.


Năm 2014, cuộc thi Jallikatu đã phải thực hiện theo lệnh của toà án, đám đông được bảo vệ khỏi rào chắn và không thể tiếp xúc với con bò. 


Kể từ khi lệnh cấm được ban bố, hàng loạt người dân ở Tamil Nadu đã đứng lên biểu tình đòi quyền lợi. Chính phủ Đảng Bharatiya Janata tại Delhi đã hứa sẽ cân nhắc lại yêu cầu của họ tuy nhiên, chưa chắc lễ hội đấu bò sẽ có thể quay trở lại vào năm 2016 do còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Nhưng người dân Tamil Nadu vẫn hàng ngày mong ngóng sự kiện thể thao truyền thống này sẽ quay trở lại, giống như họ mong chờ Năm mới vậy.  

Diệu Linh