Thay đổi chính sách tỷ giá: Doanh nghiệp ứng phó thế nào?
Tài chính - Ngày đăng : 07:01, 12/01/2016
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, đã đến thời điểm hội tụ đủ các điều kiện để NHNN đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới phục vụ cho tiến trình hội nhập của Việt Nam, cũng như chống đô la hóa nền kinh tế. Về nguyên tắc, cơ chế xác định tỷ giá trung tâm không chỉ dựa trên mối quan hệ trực tiếp giữa tiền đồng (VND) và USD như một đồng ngoại tệ phổ biến hiện nay trong quan hệ thương mại, đầu tư, tài chính của Việt Nam, mà dựa trên mối tương quan giữa USD với một số đồng tiền chủ chốt khác, căn cứ vào đó xác định một tỷ giá hợp lý. Cách điều hành như vậy sẽ linh hoạt và chủ động, phản ánh các nguyên tắc thị trường hơn so với cách điều hành trước, bởi tỷ giá liên ngân hàng thời đó chưa phải thực tế.
Khách giao dịch tại Ngân hàng GPBank. Ảnh: Như Ý |
Nếu như thời điểm trước, tỷ giá thường được công bố một biên độ nhất định, thị trường "neo" vào đó và kỳ vọng, đến nay với cách thức điều hành mới, cơ hội lướt sóng hay đầu cơ, tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ bị hạn chế. Bởi, nếu tỷ giá được thông báo hằng ngày, với biên độ cho phép sẽ giảm mức độ kỳ vọng vào việc phá giá, tăng niềm tin trong việc sử dụng, tích trữ VND thay vì ngoại tệ như trước, đặc biệt là USD. Cùng với việc giảm lãi suất tiền gửi bằng USD về 0%, người dân cũng không có lý do trông đợi vào nguồn lợi có từ USD, ngân hàng chỉ được coi là nơi giữ USD, không còn là nơi "vay" tiền của người gửi để trả lãi.
Hơn nữa, việc dịch chuyển từ quan hệ tín dụng ngoại tệ, kể cả tín dụng tiền gửi, cũng như cho vay bằng ngoại tệ, sang quan hệ mua - bán ngoại tệ sẽ giúp tỷ giá ổn định, tránh những hoạt động đầu cơ liên quan tới tín dụng bằng ngoại tệ. Thực tế, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, nhưng tính chất đầu cơ sẽ thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến, cân đối trên thị trường, thay vì dự báo, tâm lý kỳ vọng vào những thay đổi trong chính sách điều hành. Do đó, với giới đầu cơ, việc dự báo để tăng cường đầu cơ đối với ngoại tệ sẽ giảm.
Sự thay đổi về chính sách điều hành tỷ giá cho dù ít hay nhiều cũng tác động đến DN, đặc biệt là những DN có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Thay vì DN phải đến "gõ cửa" các ngân hàng để vay, hay mua ngoại tệ, với mức giá được NHNN cam kết và bảo hộ, giờ đây DN phải giao dịch với sự biến động hằng ngày, vậy DN sẽ phải đối diện như thế nào với vấn đề này?
Theo đại diện của Công ty Ô tô Cửu Long TMT, từ năm 2011 đến năm 2015, NHNN công bố tỷ giá cố định, trong đó biên độ cộng trừ 1-3%, do đó các DN có thể dự trù mức chi phí cố định về tỷ giá. Nhưng, từ năm 2016, các DN sẽ phải chủ động theo dõi thị trường hằng ngày.
Theo phương thức mới này, DN cần phải đề cao và chú trọng việc theo dõi diễn biến, trên cơ sở đó đưa ra phương án mua kỳ hạn và dùng sản phẩm phái sinh cho phù hợp. DN luôn muốn ổn định tỷ giá để kiểm soát chi phí và bảo đảm hoạt động kinh doanh, nên khi tỷ giá biến động, chi phí bị tăng. Tỷ giá năm 2016 có thể biến động từng ngày, DN phải xác định diễn biến của thị trường và khoản chi phí để đưa ra giá thành sản phẩm, phải kiểm soát tốt để bảo đảm giá bán và lợi nhuận cho DN.
Nhiều DN khác lại cho rằng, trong rủi ro về thị trường có rủi ro về giá cả hàng hóa, giá cả đầu ra, nguyên vật liệu đầu vào, các sản phẩm tài chính bao gồm lãi suất và tỷ giá. Song, với các DN đây là những biến động mang tính khách quan của thị trường mà các DN khi tham gia kinh doanh đều cần phải có phương pháp quản trị. Đây chính là lý do vì sao ở các thị trường quốc tế, thay vì cố định tỷ giá sẽ đưa ra sản phẩm ở thị trường tài chính để giúp cho các DN có thể chủ động sử dụng hiệu quả các sản phẩm đấy với các chiến lược kinh doanh khác nhau. Việc NHNN triển khai song song với việc điều hành cơ chế linh hoạt theo thị trường, cùng với đó là đưa ra các sản phẩm giúp DN có thể chủ động và tính toán thực thi các chiến lược kinh doanh phù hợp với tỷ giá.
Sự biến động tỷ giá liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua khiến không ít người trông đợi vào sự đi lên của USD so với VND thời gian tới để mua vào. Song, theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia, giá USD có thể sẽ không tăng mà trái lại còn có thể giảm. Bởi, trong năm 2016 dự đoán cán cân thanh toán có thể thặng dư 5-7 tỷ USD, cộng với việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, giúp khung ngoại tệ của thị trường trong nước tăng, nhờ đó tỷ giá USD/VND giữ ở mức hợp lý.