Ba Lan sửa đổi luật về quản lý truyền thông: “Cựu lục địa” đau đầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 12/01/2016
Ngày 11-1, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski đã triệu Đại sứ Đức tại nước này Rolf Nikel tới trụ sở Bộ Ngoại giao để làm rõ các phát biểu gần đây của một số chính khách Đức liên quan tới các chính sách của tân Chính phủ Ba Lan. Động thái này diễn ra sau khi nhiều chính trị gia nước này bày tỏ hoài nghi về tính pháp quyền trong nhiều dự luật của Chính phủ Ba Lan.
Người dân Ba Lan biểu tình phản đối sửa đổi Luật Quản lý truyền thông. |
Phát biểu trên Báo Tấm gương (Đức), Trưởng đoàn Nghị sĩ liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội Đức Volker Kauder đã lên tiếng kêu gọi trừng phạt kinh tế Ba Lan nếu quốc gia thành viên EU này tiếp tục vi phạm các quy định của một nhà nước pháp quyền. Ông V.Kauder cũng kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) điều tra việc vi phạm của Ba Lan. Trưởng đoàn Nghị sĩ liên đảng bảo thủ CDU/CSU tại Nghị viện Châu Âu Herbert Reul cũng hối thúc trừng phạt tài chính Ba Lan khi công cụ đối thoại chính trị không còn tác dụng.
Trước đó, Ủy viên phụ trách truyền thông Châu Âu Guenther Oettinger cho biết, sẽ đề nghị EU khởi kiện Ba Lan với lý do Warszawa đe dọa xâm phạm các giá trị chung của Châu Âu. Theo ông G.Oettinger, đã có nhiều ý kiến cho rằng, EU cần phải khởi động một cơ chế nhà nước pháp quyền và đưa Warszawa vào tầm giám sát. Cơ chế này đã được EU thông qua năm 2014, là công cụ mà EC có thể sử dụng khi tình trạng nhà nước pháp quyền của một quốc gia thành viên gặp nguy hiểm. Trước những "phản ứng" từ Berlin, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz đã lên tiếng chỉ trích Đức và một số nước phương Tây can thiệp vào chủ quyền của nước này và khẳng định sẽ không để "Đức lên lớp Ba Lan về dân chủ và tự do", Warszawa sẽ vẫn tiếp tục thực thi các chương trình của mình.
Kể từ tháng 11-2015, chính phủ mới do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đứng đầu đã thông qua một số dự luật gây tranh cãi. Trong đó có sửa đổi thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp và cho phép Chính phủ nắm quyền bổ nhiệm trực tiếp người đứng đầu các cơ quan truyền thông nhà nước. Điều này đã châm ngòi cho cơn thịnh nộ của người dân ở quốc gia Trung Âu này. Liên tục 2 tháng qua, rất nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Gần đây nhất, ngày 9-1, hàng vạn người tại 20 thành phố đã xuống đường phản đối Tổng thống Andrzej Duda ký ban hành đạo luật gây tranh cãi nói trên. Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại thủ đô Warszawa với khoảng 20.000 người tập trung bên ngoài trụ sở Đài Truyền hình nhà nước (TVP). Một ngày trước đó, ngay sau khi luật về quản lý truyền thông có hiệu lực, lãnh đạo của TVP đã bị thay thế bằng một nhân vật do Bộ trưởng tài chính chỉ định.
Vấn đề đáng quan tâm hơn là với chủ trương bảo thủ, đảng cầm quyền PiS có quan điểm hoài nghi EU và phản đối việc Ba Lan gia nhập Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tương lai gần. Chính phủ Ba Lan cũng phản đối việc tái phân bổ người di cư từ Trung Đông vào nước này. Điều đó có thể khiến Ba Lan trở thành mầm mống mới gây chia rẽ nội bộ khi "ngôi nhà chung" 28 thành viên đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ cuộc khủng hoảng người di cư, nguy cơ bị tấn công khủng bố...
Hiện tại, dư luận dồn sự chú ý vào cuộc gặp của giới chức EU vào ngày 13-1 tới. Trong đó, chương trình nghị sự sẽ có phần thảo luận chi tiết về tình hình pháp quyền ở Ba Lan. Thông qua cuộc gặp này, những chính sách của EU với Warszawa trong thời gian tới sẽ định hình. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị Cựu lục địa cho rằng, "cơn đau đầu" của các nhà lãnh đạo Cựu lục địa với Ba Lan mới chỉ ở giai đoạn ban sơ.