Xóa tình trạng "đá bóng" trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 05:46, 11/01/2016
Tuần qua, Sở Y tế, NN&PTNT và Công thương Hà Nội đã ký Quy chế phối hợp quản lý ATTP, đem lại hy vọng về một sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành chức năng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, bảo đảm ATTP.
Đoàn công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Intimex. Ảnh: Lê Tuấn |
Mạnh ngành nào ngành ấy... chạy
Trên thực tế, dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhưng thực phẩm mất an toàn vẫn luôn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, chưa bao giờ vấn đề ATTP lại "nóng" như hiện nay khi người dân luôn thường trực nỗi lo. Dù công tác kiểm soát ATTP đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng của người dân.
Trong năm 2015, Ban Chỉ đạo ATVSTP các cấp của Hà Nội đã tăng cường thanh, kiểm tra, tiến hành giám sát đối với gần 140 nghìn lượt cơ sở, xử lý hành chính đối với hơn 10 nghìn cơ sở vi phạm quy định về ATTP, phạt gần 3.500 cơ sở với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Và điều đáng nói là tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các địa phương khác vào Hà Nội ngày càng phức tạp. Mặt khác, tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm ATTP vẫn tồn tại.
Đề cập đến công tác quản lý ATTP, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra ví dụ: Quả dâu tây trồng tại Đà Lạt, khi mang về Hà Nội chỉ để được 3 ngày là hỏng, thế nhưng, quả dâu tây có xuất xứ Trung Quốc thì để hàng tuần vẫn tươi. Thậm chí, có nhiều loại hoa quả để cả năm trời cũng không bị thối vì những loại quả này đều chứa hóa chất bảo quản. Trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm cửa hàng rau sạch nhưng rất khó để khẳng định được đâu là cơ sở an toàn thật sự. Như vậy, rõ ràng là công tác quản lý ATTP của chúng ta đang "có vấn đề".
Trước đó, tại buổi tọa đàm lấy ý kiến về Luật ATTP, diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững - Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Hiện nay, lực lượng quản lý nhà nước về ATTP quá đông, quá cồng kềnh, chồng chéo và không hiệu quả. Đơn cử như Bộ NN&PTNT có 7 cơ quan, Bộ Y tế có 2 cơ quan và Bộ Công thương có 3 cơ quan tham gia quản lý và kiểm soát ATTP. Mặt khác, việc kiểm soát hoạt động của phòng kiểm nghiệm ATTP còn nhiều vấn đề, dẫn tới tình trạng, cùng là xét nghiệm ATTP nhưng có tới ba bộ có quyền chỉ định; cùng một mẫu sản phẩm nhưng khi gửi tới các phòng kiểm nghiệm khác nhau thì cho kết quả sai khác vài trăm tới vài nghìn lần.
"Bắt tay" nâng cao hiệu quả quản lý
Sở dĩ có tình trạng "lệch pha" giữa các ngành bởi công tác quản lý ATTP mang tính liên ngành nhưng thực tế hiện nay cho thấy tình trạng "mạnh ngành nào ngành ấy chạy", không để ý xem đơn vị khác làm đến đâu, làm như thế nào; đề ra chủ trương chung nhưng thiếu vắng ở khâu điều phối kỹ thuật cụ thể. Hiện có khoảng 80 văn bản liên quan đến quản lý ATTP nhưng tính khả thi không cao, doanh nghiệp lúng túng không biết theo văn bản nào. Trong khi đó, việc quản lý ATTP phải chặt chẽ, xuyên suốt từ tiếp cận sản phẩm đến quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường, không thể cắt đoạn, cùng một sản phẩm nhưng mỗi ngành quản lý một khâu như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, việc ký quy chế phối hợp quản lý ATTP giữa các sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố, tránh sự chồng chéo trong hoạt động quản lý cũng như thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp giảm bớt nguồn nhân lực của mỗi ngành được huy động để thực hiện nhiệm vụ quản lý. "Quy chế này giúp các ngành tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trong lĩnh vực được phân công, đồng thời tăng cường hiệu quả phối hợp, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới để hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm", ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.
Lãnh đạo Sở Công thương thành phố cũng khẳng định, việc ký kết quy chế phối hợp giữa các ngành sẽ tránh được tình trạng "ngành nọ đổ lỗi cho ngành kia", làm chậm quy trình giải quyết các vấn đề liên quan.
Về sự kiện các ngành "bắt tay" quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, việc ký kết quy chế phối hợp quản lý ATTP có ý nghĩa quan trọng, cần được nhân rộng và triển khai tại các địa phương trên cả nước. Hy vọng, trong thời gian tới, trên địa bàn Hà Nội không còn cảnh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, quản lý ATTP.