Muốn thành công phải tăng sức cạnh tranh
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 05:13, 11/01/2016
Thông qua buổi tọa đàm, thành phố hy vọng các nhà doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cùng hoạch định cách thức, phương pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN.
AEC chính thức thành lập từ ngày 31-12-2015. Nhiều nhận định cho rằng, thuận lợi lớn nhất mà Cộng đồng đem lại cho người dân là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, một khu vực kinh tế, thương mại chung và một cơ sở sản xuất chung. Có nghĩa là người dân với tư cách là người sản xuất hay người tiêu thụ đều có thể có được lợi thế từ một thị trường chung của 625 triệu người dân với tổng sản phẩm GDP là 2.600 tỷ USD/năm. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia thị trường rộng hơn, có thể bán hàng tại các nước ASEAN gần như trong nước. Các thủ tục xuất, nhập khẩu cũng sẽ bớt rườm rà hơn và việc tiến tới cho phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines) là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Do đó, những doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ Cộng đồng ASEAN mang lại thì sẽ thụ hưởng những thuận lợi. Nhưng nếu không tranh thủ được cơ hội sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Vì sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn do không chỉ còn trong 90 triệu cư dân Việt Nam, mà đây là cả một cộng đồng 625 triệu người dân. Doanh nghiệp Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật này. Nếu không nắm bắt kịp xu hướng, khả năng bị đào thải sẽ là rất lớn.
Một số hạn chế chủ yếu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Nội nói riêng gồm: Năng suất lao động thấp do khu vực tư nhân khó phát triển vì phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, tính liên kết lỏng lẻo; mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp; nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về các cam kết kinh tế, thương mại mới chưa cao. Đa số mức độ nhìn nhận ASEAN như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu... là tương đối hạn chế. Trên thực tế, việc kết nối một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mới là mục tiêu chính của ASEAN và là lợi ích dài hạn mà các doanh nghiệp trong ASEAN cần nhắm đến.
Bên cạnh việc chỉ ra những cơ hội, hạn chế khi tham gia AEC, các tham luận cũng kiến nghị, đề xuất những chính sách cụ thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ khi hội nhập hoàn toàn vào khu vực.
Tuy nhiên, trước hết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm để các doanh nghiệp linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế không chỉ khối thị trường này mà còn với các thị trường khác. Không có cách nào khác doanh nghiệp Thủ đô phải nỗ lực vượt qua những sóng gió lớn. Và để nâng cao vị thế của mình cần phải có những cải cách triệt để, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng, tuyên truyền phổ biến là yếu tố quan trọng và then chốt để phát triển bền vững. Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Để tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết với nhau, đón bắt những cơ hội và vượt qua thử thách nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh.