Nhà thuốc "trở lại"
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:10, 11/01/2016
Bây giờ thì đã rõ rằng một nhà thuốc nhỏ bé cũng có thể gây họa lớn đối với người tiêu dùng; hàng nghìn, hàng vạn nhà thuốc không được quản lý tốt thì hậu quả là không thể tưởng tượng nổi. Nói vậy là bởi liên quan tới hoạt động của các nhà thuốc tư nhân, cơ quan chức năng đã đưa ra lời cảnh báo về tác động xấu của chúng khi không được kiểm soát đầy đủ. Đó là một phần nguồn cơn làm cho tình trạng kháng kháng sinh trở nên khó kiểm soát. Đó là nơi dễ dàng tiêu thụ những loại thuốc nhập lậu, thuốc quá "đát", thuốc giả. Đó là địa chỉ mà bất cứ ai cũng có thể tìm đến, mua thuốc mà không cần có đơn của bác sĩ…
Nhà thuốc và hệ lụy từ nó thuộc dạng chuyện "biết rồi, nói mãi". Năm ngoái, khi phát động chương trình hành động nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc vốn đã được xếp vào thang "báo động đỏ", thông tin về kết quả điều tra đã được công bố, theo đó, có tới 88% số nhà thuốc trong diện khảo sát ở khu vực thành thị và 91% ở nông thôn cho biết có bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ. Một cuộc điều tra khác cho kết quả liên quan: Tại bệnh viện, chi phí dành cho thuốc chiếm gần một nửa trong tổng số chi phí điều trị, trong đó, riêng chi phí cho kháng sinh là hơn 30%... Đó là nghiên cứu mới về một vấn đề cũ vốn liên quan đến hoạt động của hệ thống nhà thuốc trên phạm vi toàn quốc. Người ta đã bàn về sự liên quan giữa một số bác sĩ tại bệnh viện công và các nhà thuốc với tình trạng lạm dụng thuốc trong quá trình kê đơn, đã đặt vấn đề về sự "bát nháo nhà thuốc GPP", về hiện tượng bán thuốc với giá "trên trời" ở các cửa hàng thuốc tư nhân… Sự "quay lại" của câu chuyện xấu liên quan tới nhà thuốc tư nhân ở Việt Nam cho thấy hạn chế trong công tác quản lý đối với hoạt động của hệ thống này.
Việc cơ quan chức năng phanh phui vụ dập "đát" mới cho những loại thuốc đã hết hạn sử dụng đáng được coi là chiến công thực sự bởi từ đó, chúng ta có thể, một lần nữa, tự đưa ra lời cảnh báo đối với chính bản thân về những nguyên tắc cần tuân thủ trong việc sử dụng thuốc, về sự thận trọng cần có khi tham vấn cách thức điều trị và loại thuốc cần dùng từ các "bác sĩ nhà thuốc" - những người mà đa số chúng ta không thể biết được là họ có đủ năng lực thực sự để đưa ra lời tư vấn đúng hay không. Mặt khác, từ vụ việc nói trên, nhà quản lý y tế có thể tự đánh động họ về những phần việc cần phải thực hiện quyết liệt hơn, thường xuyên hơn thay vì lơ là hoặc chỉ làm theo kỳ cuộc. Ta có luật liên quan, có văn bản dưới luật, nguyên tắc "Thực hành tốt cung ứng thuốc" hỗ trợ cho việc tổ chức, hoạt động và quản lý nhà thuốc đạt chuẩn GPP, có lực lượng thanh tra chuyên ngành và nhiều bộ phận phối hợp, sao có thể để "chuyện nhà thuốc" trở đi trở lại theo cách không hay thế này!