Tránh xa bệnh “bà tám”

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 10/01/2016

Thường xuyên "nấu cháo" điện thoại, "ôm" facebook, nhắn tin liên tục, hay bị thầy cô giáo nhắc nhở vì tội nói chuyện riêng trong giờ..., đó là những đặc điểm dễ nhận thấy ở những học sinh (HS) mắc bệnh "bà tám" - cách gọi những ai thường xuyên tán chuyện. Vậy, làm thế nào để bỏ căn bệnh "nhiều chuyện" này, các em nhỉ?

Em Phạm Thị Quỳnh Mai (HS lớp 8B, Trường THCS Duyên Hà):

- Đây là căn bệnh mà khá nhiều bạn HS mắc phải, đặc biệt là các bạn nữ. Mặc dù gặp nhau hằng ngày trên lớp nhưng khi về nhà chúng em vẫn "nấu cháo" điện thoại, nhắn tin hỏi han nhau. Chúng em "tám" đủ thứ, từ chuyện "bộ phim hôm qua như thế nào", "kiểu tóc mới của mình ra sao"… đến mối quan hệ giữa các bạn trong lớp. Trong giờ học, có khi vì mải nói chuyện riêng mà em bỏ lỡ lời cô giáo giảng, làm ảnh hưởng đến các bạn. Có lần, đang mải mê "buôn" với bạn thì em bị cô giáo gọi lên bảng, vì không nhớ cô đang giảng đến phần nào nên em bị điểm kém. Từ sau lần đó em ít nói chuyện riêng trong giờ học, nhưng bệnh "nấu cháo" điện thoại và nghiện nhắn tin thì vẫn chưa sửa được. Em sẽ phải cố gắng hơn.

Em Nguyễn Thị Phương (HS lớp 6E, Trường THCS Hồng Hà):

- Em thấy việc nói chuyện riêng trong giờ học gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với thầy cô giáo. Bởi vậy, em tránh "nhiều chuyện" trong giờ học. Khi về nhà, ngày nào em cũng dành ra hai tiếng đồng hồ cho việc ôn bài, làm bài tập. Để tránh việc mải mê "buôn chuyện" với bạn bè, xao nhãng học hành, em thường tắt điện thoại, máy tính trong lúc học bài.

Cô Đặng Hương (Giáo viên dạy văn, Trường THCS Ngọc Lâm):

- Nói chuyện riêng trong giờ học là hành vi thiếu văn hóa, không tôn trọng người đang truyền giảng kiến thức cho mình, những người xung quanh mình và cả chính bản thân nữa. Muốn loại bỏ hiện tượng này thì cần có sự cố gắng của HS và sự quan tâm nhiều hơn từ phía thầy

cô giáo. Nếu thấy HS nói chuyện riêng trong giờ quá nhiều thì thầy cô giáo cũng nên xem lại phương pháp giảng dạy bởi nếu phương pháp dạy nhàm chán, khô khan thì không thể khiến HS chú ý. Tuy thế, với những HS lười biếng, không có lòng tự trọng thì dù tiết học có hay, sinh động đến thế nào chăng nữa cũng không khiến HS đó tập trung được. Trong trường hợp này, phải có giải pháp giúp các em học tập trung. Ngoài phương pháp giáo dục, thuyết phục từ phía nhà trường, sự tác động từ nhóm bạn có thái độ học tập nghiêm túc, cần tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa thầy cô và gia đình nhằm giúp các em từ bỏ một thói quen xấu.

Thanh Phong