Không thêm cơ hội đoạt huy chương
Thể thao - Ngày đăng : 06:38, 10/01/2016
Đội tuyển giành nhiều vé chính thức dự Olympic nhất?
Đây mới là kết quả từ mẫu thử A của số lực sĩ bị phát hiện sử dụng chất cấm Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2015 và còn phải chờ kết quả mẫu thử B nên Liên đoàn Cử tạ thế giới chưa đưa ra quyết định kỷ luật chính thức. Đáng chú ý, trong số các lực sĩ có mẫu thử A dương tính với chất kích thích, có nhiều người thuộc các đội tuyển đã giành thứ hạng cao hơn đội tuyển Việt Nam khi xét vé tham dự Olympic 2016. Tổng hợp kết quả tại Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2014 và 2015, đội tuyển Việt Nam xếp hạng 20 và được trao 3 vé tham dự Olympic 2016.
Nếu một số lực sĩ của các đội tuyển xếp trên Việt Nam bị hủy thành tích vì sử dụng chất cấm, thứ hạng của đội nam Việt Nam có thể cao hơn, lọt vào nhóm đội tuyển được trao 4 vé dự Olympic 2016. Lúc đó, cử tạ Việt Nam sẽ có cơ hội có tới 5 VĐV tranh tài tại Olympic 2016 khi vào tháng 4 tới, lực sĩ Vương Thị Huyền sẽ tranh tài tại vòng loại Olympic 2016 khu vực Châu Á. Khả năng giành vé dự Olympic của Vương Thị Huyền gần như được bảo đảm trừ trường hợp cô bị chấn thương hoặc gặp lý do bất khả kháng. Nếu mọi chuyện hanh thông, cử tạ Việt Nam sẽ có 5 VĐV giành vé chính thức tham dự Olympic 2016.
Đến lúc này, thể thao Việt Nam mới giành được 6 vé chính thức tham dự Olympic 2016. Trong số này, đội tuyển cử tạ đang sở hữu nhiều suất tham dự Olympic 2016 nhất - 3 suất. 3 suất còn lại thuộc về đội tuyển bơi (Nguyễn Thị Ánh Viên), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường). Cũng sẽ hiếm môn thể thao nào có thể vượt qua cử tạ trong việc giành nhiều vé chính thức tham dự Olympic 2016 ngoài bắn súng hoặc rowing (nội dung thuyền 4 nữ). Các môn cầu lông, judo, kiếm quốc tế, vật, thể dục dụng cụ, taekwondo, điền kinh, bơi giành được từ 1 đến 2 vé chính thức đã là quá tốt.
Cơ hội giành huy chương không tăng
Cùng với cử tạ, chỉ có môn bắn súng được kỳ vọng giành huy chương tại Olympic 2016. Với các môn khác, chỉ đặt mục tiêu giành vé tham dự để chứng tỏ sự phát triển đồng đều của nền thể thao Việt Nam. Riêng với cử tạ, từ sau Giải vô địch thế giới 2015, "quy hoạch" huy chương đã có thêm cái tên Vương Thị Huyền (48kg nữ). Thành tích tại Giải vô địch thế giới 2015 của cô gái Hà Nội này quá ấn tượng (2 HCB, 1 HCĐ trong đó thành tích tổng cử 194kg vượt 2kg so với thành tích đoạt HCĐ Olympic 2012 hạng 48kg nữ) nên việc Vương Thị Huyền được nhắc liên tục trong thời gian gần đây với sự kỳ vọng cũng là bình thường. Quan trọng là cách ứng xử với sự kỳ vọng của chính lực sĩ này.
Còn ở đội cử tạ nam, dù có thêm suất dự Olympic 2016 thì hy vọng giành huy chương vẫn dồn vào Thạch Kim Tuấn, bởi ngoài hạng 56kg, hiện tại cử tạ Việt Nam không có cơ hội tranh chấp huy chương ở các hạng cân khác, kể cả khi Trần Lê Quốc Toàn (hạng 56kg nam) còn thi đấu. Lực sĩ này đã chuyển lên hạng 62kg do không cạnh tranh nổi với Thạch Kim Tuấn cũng như tránh chấn thương khi phải ép cân. Ở các hạng cân trên, cử tạ nam Việt Nam chỉ có thể đặt ra mục tiêu học hỏi.
Lúc này, Thạch Kim Tuấn (56kg) và Trần Lê Quốc Toàn (62kg) đã chắc suất dự Olympic 2016. Vấn đề là với 2 suất còn lại (trong trường hợp cử tạ nam Việt Nam được trao thêm suất dự Olympic 2016), các nhà quản lý sẽ chọn ai để phù hợp với mục tiêu học hỏi, mang tính đầu tư "đường dài"?