Quản lý trang thiết bị y tế: Hổng từ trên xuống... dưới!

Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 09/01/2016

LTS: Những công bố của Thanh tra Chính phủ mới đây đã cho thấy hàng loạt sai phạm của ngành Y tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế.

LTS: Trang thiết bị y tế (TTBYT) là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả, chất lượng dịch vụ y tế. Thế nhưng, những công bố của Thanh tra Chính phủ mới đây đã cho thấy hàng loạt sai phạm của ngành Y tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế (TTB&CTYT) trong giai đoạn 2011-2014. Với những sai phạm này một lần nữa lại khiến dư luận xã hội lo ngại. Trong khi công tác quản lý mua sắm, nhập khẩu, sử dụng TTBYT ở nước ta còn lỏng lẻo, nhiều gian lận thì tình trạng sử dụng thiết bị kém chất lượng, loạn chất lượng xét nghiệm y khoa… càng gây nhiều bức xúc. Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài viết về quản lý TTBYT thời gian qua để rõ hơn những vấn đề nêu trên.

Bài đầu: Thiếu chặt chẽ và yếu kém

TTBYT vốn có đặc thù là đa dạng chủng loại, các ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới được cập nhật thường xuyên. Do vậy, TTBYT phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng và bảo hành, bảo dưỡng đối với sản phẩm. Thế nhưng có thực tế là, ngay cả từ các cơ quan chức năng cho đến việc ban hành các văn bản quản lý mặt hàng đặc biệt này còn quá nhiều bất cập.

Phần lớn các trang thiết bị y tế là hàng nhập khẩu nhưng việc quản lý còn bị buông lỏng. Ảnh: Minh Khuê


Văn bản quản lý lỗi thời

Ngày 5-1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về TTB&CTYT của ngành Y tế giai đoạn 2011-2014. Theo kết luận thanh tra, Vụ TTB&CTYT - cơ quan chức năng chuyên trách của Bộ Y tế có vai trò chủ đạo trong việc cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT cũng như phối hợp với các ban, ngành chức năng trong việc thanh kiểm tra, giám sát TTBYT lại bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý.

Dù chịu trách nhiệm trong việc chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ kỹ thuật TTBYT nhưng Vụ TTB&CTYT lại chưa kịp thời ban hành những điều lệ mới để thay thế các văn bản cũ có nhiều điểm không còn phù hợp. Bên cạnh đó, Vụ này cũng chưa kịp thời tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục tiêu chuẩn TTBYT thiết yếu cho bệnh viện (BV) đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế. Hiện các tuyến y tế cơ sở vẫn áp dụng danh mục TTBYT ban hành từ năm 2002 của Bộ Y tế. Vụ cũng chưa tham mưu cho Bộ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố Tiêu chuẩn Việt Nam về TTBYT. Thậm chí, Vụ cũng chưa tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ban hành văn bản định hướng đầu tư TTBYT cho các tuyến y tế, các trung tâm y tế chuyên sâu, các chuyên khoa đầu ngành và kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên sâu về TTBYT.

Điều đáng nói là việc thẩm định danh mục, cấu hình tính năng kỹ thuật và dự toán TTBYT của các dự án đầu tư có mua sắm TTBYT, nhất là các dự án thuộc nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ, vốn tài trợ, viện trợ ở các địa phương còn có tình trạng TTBYT cấp về không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả do không phù hợp với năng lực đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất của đơn vị, gây lãng phí lớn. Đơn cử như năm 2012, Sở Y tế Quảng Bình cấp cho BV Đa khoa Đồng Hới một máy điện tim nhưng BV này không sử dụng do không có loại giấy in cho thiết bị. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh này có một tủ sinh học do dự án ADB cấp năm 2013 nhưng cũng không sử dụng vì không có phòng để lắp đặt…

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một đơn vị có chức năng quản lý TTBYT khác, đó là Viện TTB&CTYT đã cấp 1.398 giấy thông báo lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng dẫn tới một số lượng lớn TTBYT không được kiểm tra chất lượng nhưng vẫn được phép lưu thông trên thị trường. Mặt khác, dù không có chức năng và ngành nghề kinh doanh thẩm định kết quả đấu thầu nhưng Viện vẫn tiến hành thẩm định kết quả đấu thầu. Do đó, trong quá trình thẩm định, Viện đã không phát hiện sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm TTBYT dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu thiếu chính xác.

Mỗi nơi quản lý một kiểu

Qua công tác thanh, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại 5 sở y tế các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Bình Định và Bình Dương cho thấy, các sở đều không có phòng quản lý TTBYT. Ngay cả các BV trực thuộc Sở Y tế cũng không thành lập phòng quản lý TTBYT. Một số BV tuy có phòng quản lý TTBYT nhưng bố trí cán bộ vừa thiếu vừa không có chuyên môn kỹ thuật về lĩnh vực TTBYT.

Điều đáng nói là tại các sở y tế, việc triển khai các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Y tế còn chưa đầy đủ, chưa tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị về việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTBYT. Hằng năm, các sở cũng không có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo tình hình quản lý và sử dụng tài sản, TTBYT để quản lý theo quy định. Hầu hết các sở, các BV, đơn vị thuộc sở đều chưa xây dựng quy chế, quy trình mua sắm, quản lý sử dụng TTBYT. Việc mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT không thống nhất, có sở tổ chức mua sắm tập trung, có sở vừa mua sắm tập trung vừa giao cho các đơn vị tự mua sắm, phương pháp, hình thức mua sắm không thống nhất. Thậm chí, việc phân công đơn vị quản lý mỗi nơi mỗi khác, có nơi giao cho phòng quản lý dược, có nơi giao cho phòng kế hoạch tài chính…

Tại hội thảo tập huấn, phổ biến các quy định quản lý TTBYT do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ TTB&CTYT cũng thừa nhận, công tác quản lý TTBYT hiện nay còn phụ thuộc vào tính tự giác của các nhà sản xuất, kinh doanh, đơn vị sử dụng, vì vậy rất bị động, thiếu chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam Hà Đắc Biên cho rằng, vấn đề cần nhất hiện nay là nâng cao năng lực quản lý TTBYT nhằm góp phần hạn chế tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng TTBYT kém chất lượng, cũ nát cũng như chủ động trong việc đầu tư, bổ sung TTBYT mới phù hợp với yêu cầu phát triển. Ngoài ra, Bộ Y tế nên xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức ngoài công lập tham gia hoạt động kiểm chuẩn TTBYT, tránh tình trạng chỉ có một số cơ quan được thực hiện chức năng này, dẫn tới tình trạng độc quyền trong công tác kiểm định thiết bị.

Báo cáo của Hiệp hội Thiết bị y tế Việt Nam cho thấy, hiện trên thị trường có khoảng 10.500 loại TTBYT khác nhau, trong đó có hơn 90% là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm hơn 45%). Hầu hết TTBYT đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn định kỳ, công tác bảo dưỡng, sửa chữa cũng không được thực hiện thường xuyên.

Thu Trang