Bước "nhảy vọt" về hạ tầng giao thông

Giao thông - Ngày đăng : 07:18, 08/01/2016

(HNM) - Trong những năm qua, hạ tầng giao thông (HTGT) đã có bước phát triển


Thành tựu lớn từ chủ trương lớn

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TƯ về "xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", trong đó mục tiêu trọng tâm về HTGT là bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn. Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu nói trên, 4 năm qua (giai đoạn 2011-2015), trong điều kiện nền kinh tế đất nước khó khăn, bên cạnh sử dụng hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu chính phủ, Bộ GT-VT đã có những giải pháp nhằm thu hút mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư phát triển kết cấu HTGT. Cụ thể, đã thu hút, ký kết được 6.241 triệu USD vốn ODA cho 33 dự án.

Cầu Nhật Tân, một trong những công trình đẹp và hiện đại của Thủ đô. Ảnh: Anh Tuấn


Cùng với đó, Bộ đã triển khai đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kết cấu HTGT trên các lĩnh vực, qua đó đã "gọi" đầu tư ngoài NSNN cho phát triển kết cấu HTGT đường bộ được 186.660 tỷ đồng; lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng. Các cảng hàng không, sân bay phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, là doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý, khai thác 22 cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc. Riêng xã hội hóa lĩnh vực đường sắt chủ yếu là hình thức cho thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ.

Nhờ đa dạng hóa hình thức đầu tư, huy động được các nguồn lực kinh tế ngoài NSNN, chỉ trong vòng 4 năm, hàng trăm công trình phát triển kết cấu HTGT đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng tầm vị thế quốc gia.

Cụ thể, Bộ GT-VT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn, như hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1-1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nhà ga Cảng Hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng Hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang...

Đặc biệt, là việc hoàn thành cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, cầu hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tặng "Giải thưởng Cống hiến". Riêng về cao tốc, theo kế hoạch đến hết năm 2015 hoàn thành khoảng 600km đường cao tốc, nhưng đến thời điểm này cả nước đã có hơn 700km. Nhờ những nỗ lực đó, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, tăng 36 bậc so với năm 2010…

Tiếp tục hiện đại hóa

Nhiều mục tiêu lớn trong lĩnh vực phát triển kết cấu HTGT đang được ngành GT-VT đặt ra trong năm 2016 và giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, về đường bộ, cùng với việc khai thác hiệu quả các tuyến đã có, Bộ tiếp tục triển khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 2.000km đường cao tốc. Cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam, trong đó hoàn thành các đường cao tốc đang thi công như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan; khởi công mới các đoạn Nghi Sơn - Vũng Áng, Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Hoàn thành, tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối các cảng biển, cửa khẩu như Biên Hòa - Vũng Tàu (cảng Cái Mép), Bắc Giang - cửa khẩu Đồng Đăng, TP Hạ Long - Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), Vân Đồn - Móng Cái (cửa khẩu Móng Cái), TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài…

Đối với các quốc lộ, tiếp tục hoàn thành 601km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến đường này; nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống đường ven biển phía Bắc, phía Tây nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng…

Lĩnh vực đường sắt và hàng không cũng nằm trong chiến lược phát triển kết cấu HTGT các năm tới. Về đường sắt sẽ nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90km/h với tàu khách và 50-60km/h với tàu hàng; nâng cao năng lực, chất lượng vận tải các tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Đặc biệt, sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào khai thác. Các cảng hàng không cũng sẽ được nâng cấp, đưa năng lực thông qua đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng 1,5 lần so với năm 2015)…

Theo Bộ GT-VT, chủ trương lớn, mục tiêu lớn, nhưng thách thức cũng rất nhiều, nhất là vấn đề nguồn vốn đầu tư. Trước tình hình đó, Bộ kiến nghị Quốc hội tiếp tục ưu tiên và sửa đổi các chính sách để bố trí vốn cho các dự án công trình giao thông, nhất là sớm có chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016-2020. Bộ kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GT-VT lập đề án huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ triển khai; bố trí ngân sách theo kế hoạch 5 năm và từng năm cho Bộ GT-VT đủ để đối ứng các dự án ODA và tham gia các dự án PPP, BOT…

Tuấn Lương