Khuyến cáo rồi… vẫn thế!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 08/01/2016
Vụ mất NPX Cs-137 mới nhất xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn chỉ được phát hiện vào ngày 15-12-2015 khi lãnh đạo đơn vị này kiểm kê tài sản. Đáng lưu ý là doanh nghiệp này vì làm ăn thua lỗ đã dừng hoạt động trước đó cả năm, do đó việc NPX mất trong khoảng thời gian nào không ai nắm được. Vì không nắm được - nói thẳng ra là buông lỏng quản lý với loại vật liệu nguy hiểm - nên gần như việc tìm kiếm được các nhà quản lý nhận định là khó như "hái sao trên trời".
Điều cần lưu ý là sự việc ở Bắc Kạn vừa qua đã là lần thứ bảy trong vòng 13 năm qua nước ta để xảy ra tình trạng mất NPX và rất nhiều trong số đó đã không tìm lại được. Qua những sự cố có tần suất ngày một dày hơn (gần 2 năm nay xảy ra 3 vụ), câu hỏi được đặt ra là các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sử dụng NPX và cộng đồng đã có những phương án gì để ngăn ngừa sự việc tương tự có thể xảy ra?
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước là VARANS chỉ thống kê được số lượng NPX của các đơn vị cũng như đặc tính của từng thiết bị, còn việc kiểm soát là do đơn vị sở hữu thiết bị tự đảm trách. Việc kiểm tra tình trạng của các thiết bị lại được phân cấp cho Sở KH&CN địa phương và VARANS sẽ phối hợp để có kế hoạch thanh tra. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là với các NPX di động. Qua rà soát, nguyên nhân của các vụ mất NPX được khẳng định do đơn vị sử dụng… thiếu ý thức. Nói như ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng VARANS thì "Quy định đã có đủ, quan trọng là các cơ sở quản lý có làm hay không?". Và sau mỗi lần xảy ra sự cố thì điệp khúc muôn thuở là các cơ quan quản lý nhắc nhở, cam kết chấn chỉnh hoạt động nghiệp vụ; địa phương tổ chức họp bàn, rút kinh nghiệm và xử phạt hành chính đơn vị vi phạm mà thôi.
Trong khi đó, việc quản lý tại các tổ chức sử dụng NPX công nghiệp lại thiếu chặt chẽ. Việc không có khu vực bảo quản chuyên biệt, nguồn nhân lực biến động dẫn tới công tác kiểm tra, kiểm soát thiếu nhất quán chính là những lỗ hổng khiến việc mất NPX những năm gần đây gần như chỉ xảy ra ở các cơ sở công nghiệp. Tuy nhiên, trong khi những sự cố mất NPX có dấu hiệu gia tăng thì TP Hà Nội - địa phương sở hữu NPX công nghiệp lớn thứ hai cả nước, với gần 1.000 nguồn của khoảng 170 tổ chức - đã có cách làm rất đáng lưu ý. Theo đó, Sở KH&CN Hà Nội đã xây dựng những kịch bản ứng phó, phân vai trách nhiệm cụ thể trước những tình huống thất lạc NPX... Đặc biệt, Hà Nội đã biên soạn và in poster hình ảnh giới thiệu về các loại, kiểu bình chứa NPX và thiết bị có NPX phát cho các cơ sở thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu (nơi được dự báo sẽ tiếp nhận nhiều nhất các NPX vô chủ khi xảy ra sự cố). Hà Nội cũng tiến hành điều tra và thu thập thông tin các cơ sở thu gom sắt vụn tại hầu khắp các quận, huyện, thị xã để người thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu dễ dàng nhận diện bình chứa NPX, thiết bị có NPX..., từ đó có biện pháp xử lý thích hợp. Lẽ ra, giải pháp trên cần được phổ biến rộng đến các địa phương khác nhưng không hiểu sao chưa địa phương nào áp dụng.
Cùng sự phát triển của nền kinh tế thì việc phải sử dụng ngày càng nhiều NPX vào mục đích công nghiệp, y tế là tất yếu. Do đó, sự chủ động ứng phó với những tình huống xấu xảy ra là điều cần phải tính đến và muốn vậy thì ý thức về nó của nhà quản lý, người được giao quản lý trực tiếp NPX và cộng đồng cần phải được nâng lên.