Nhà soạn nhạc “bất chấp mọi ranh giới hiện đại” qua đời ở tuổi 90

Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 07/01/2016

(HNMO) – Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng tài năng người Pháp Pierre Boulez đã ra đi vào ngày 6/1 tại nhà riêng ở Baden, Đức. Ông được biết đến là một nghệ sĩ mở đường cho dòng nhạc cổ điển ở thế kỷ 20 và khiến nó trở thành một trong những thể loại thống trị trong hàng chục năm sau Thế Chiến II.

Pierre Boulez từng nói: "Đối với tôi, mỗi sáng tác của tôiđều giống như một mê cung...Và người nghe có thể chìm vào mê cung đó mãi mãi".


Người thân của Pierre Boulez đã thông báo về sự ra đi của ông trên trang Philharmonie de Paris. Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng chia sẻ: “Táo bạo, đổi mới, sáng tạo – đó là những gì Pierre Boulez đã làm khiến cho nền âm nhạc Pháp toả sáng ở khắp mọi nơi trên thế giới”. Ông được đánh giá là một tài năng thuộc về thế hệ những nhà soạn nhạc phi thường của châu Âu, những người muốn thay đổi hoàn toàn nền âm nhạc và họ đã làm được. Trong đó, ông Boulez đã trở thành một nhân vật nổi bật khi tuổi đời còn rất trẻ và trở thành người tiên phong cho cuộc cách mạng nghệ thuật này.

Trong suốt cuộc đời làm nhạc, Pierre luôn giữ trong mình một thế giới riêng – nơi mà ông có thể kết hợp tư duy âm nhạc với tâm hồn bay bổng để tạo ra những bản nhạc vượt qua mọi quy chuẩn của văn hoá nhạc Pháp lúc bấy giờ. Bản “Marteau Sans Maitre” (Hammer Without a Master) là một ví dụ điển hình trong nhóm những tác phẩm tiên phong của ông và cho đến tận bây giờ đây vẫn là một cột mốc của nền âm nhạc hiện đại.

Bên cạnh khả năng sáng tác nhạc, ông còn là một nhạc trưởng tài năng. Trong mỗi lần xuất hiện trên bục chỉ huy, ông như dành trọn sự tập trung vào việc dẫn dắt dàn nhạc. Có vô số câu chuyện kể về khả năng phân tích âm điệu đáng ngạc nhiên của ông như Pierre có thể phát hiện ra lỗi ngữ điệu trong một tổ hợp âm thanh phức tạp từ kèn ô-boa.


Đỉnh điểm sự nghiệp của Pierre Boulez với tư cách là nhạc trưởng là những năm 1960, khi ông bắt đầu xuất hiện trong một số buổi diễn nhạc giao hưởng đẳng cấp nhất thế giới như Concertgebouw ở Amsterdam, Berlin Philharmonic và Cleverland Orchestra. Phong cách chỉ huy của ông khá độc đáo, thay vì sử dụng chiếc gậy chỉ huy thì ông lại ưa chuộng việc điều chỉnh dàn nhạc bằng hay bàn tay cùng một lúc, trong đó tay trái đóng vai trò phân nhịp.

Năm 1964, Boulez có một cuộc tranh cãi công khai với Bộ trưởng Văn hóa Pháp, người phản đối kế hoạch cải tổ đời sống âm nhạc Paris của ông. Trong cơn tức giận, Boulez quyết địn từ bỏ quê hương để tới Đức sinh sống. Với tổng thống Pháp Pompidou lúc đó, việc để một tài năng như Boulez sống ở ngoại quốc là một nỗi hổ thẹn vô cùng lớn. Trong nỗ lực kéo Boulez trở lại, tổng thống Pompidou đề nghị xây dựng cho ông một trung tâm nghiên cứu âm nhạc ở Paris. Đây chính là điều Boulez mongđợi.

Vậy là vào giữa những năm 1970, với sự ủng hộ của chính phủ Pháp, Boulez đã tạo dựng và điều hành Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc và âm thanh (IRCAM), một tổ chức âm nhạc thể nghiệm đóng tại Trung tâm Pompidou ở Paris. Nhóm nhạc khí mà ông thành lập tại đây, Nhóm Hòa tấu đương đại quốc tế (Ensemble InterContemporain), trở thành một trong những nhóm hòa tấu nhạc đương đại quan trọng nhất thế giới. Đến những năm 1980 thì kế hoạch cải tổ âm nhạc của Boulez dường như đã hoàn tất, như nhà soạn nhạc George Benjamin nói: “Kể từ thời Gustav Mahler, chẳng nhạc sĩ nào có tác động lớn lao lên bối cảnh văn hóa đến thế".

Boulez chỉ công bố khoảng 30 tác phẩm trong suốt cuộc đời mình, tác phẩm cuối cùng ra mắt cách đây khoảng một thập niên. Nhưng ông đã giữ cương vị như Napoleon trong công cuộc khai phá âm nhạc và tính văn hoá của nó với niềm tin: âm nhạc ngày nay phải khác nhạc xưa để âm nhạc luôn được chuyển hoá và thay đổi.

Diệu Linh