"Sốt" vắc xin dịch vụ hay "khủng hoảng niềm tin"?
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:56, 07/01/2016
"Bệnh thành phố"!
Đêm Noel 24-12-2015, Hà Nội đã xảy ra sự kiện 500-600 người dân chen lấn, đứng chôn chân suốt đêm tại Phòng tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh để ngóng một mũi tiêm Pentaxim 5 trong 1 (phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib) cho con mà không được. Ngày 29-12, hơn 3.200 mũi vắc xin Pentaxim mà Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội được phân bổ cũng hết ngay sau 3 phút "mở cửa" đăng ký trực tuyến qua mạng. Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hơn 3.200 mũi Pentaxim chỉ đủ cung cấp khoảng 60-70% nhu cầu của người dân Hà Nội. Con số thực tế còn lớn hơn vì nhiều người không chờ đợi được vắc xin dịch vụ đành phải cho con đi tiêm Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, một số phụ huynh e ngại vắc xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào gây ra các phản ứng nặng cho trẻ em, do đó đổ xô sang tiêm chủng vắc xin dịch vụ vô bào (cụ thể là vắc xin Pentaxim 5 trong 1 hoặc Infarix Hexa 6 trong 1). Tuy nhiên hiện nay, các nhà sản xuất hạn chế nguồn cung, nhu cầu tiêm lại đông hơn do đó, dẫn đến tình trạng "cháy" vắc xin dịch vụ 6 trong 1 và 5 trong 1.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, "cơn sốt" vắc xin dịch vụ chỉ ở các thành phố lớn, những người có điều kiện kinh tế, chiếm khoảng 8-10% số mũi tiêm 5 trong 1. Còn hơn 92% số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vẫn tiêm Quinvaxem.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, "năm 2013, Bộ Y tế đã mời chuyên gia độc lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rà soát lại các ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem. Kết quả cho thấy, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem ở Việt Nam chỉ là 4,5 ca/1 triệu liều. Trong khi tỷ lệ phản ứng nặng được khuyến cáo sau tiêm Quinvaxem của WHO và nhà sản xuất là 20 ca/1 triệu liều. Rõ ràng, tỷ lệ phản ứng sau tiêm gây nguy hiểm ở Việt Nam thấp hơn khuyến cáo nhiều lần chứ không như dư luận đang lo ngại" - TS Phu phân tích.
Cần thay đổi cách tuyên truyền
Nhận định về việc Bộ Y tế đã nỗ lực tuyên truyền mà người dân vẫn "khát khao" chờ vắc xin dịch vụ, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (Hà Nội) nhận định, rõ ràng, Bộ Y tế cần thay đổi cách truyền thông. Thay vì "nói ra rả" Quinvaxem tốt, tử vong ngẫu nhiên thì nên đặt vào vị trí của người làm cha mẹ để giải tỏa nỗi lo cho họ về Quinvaxem. "Bộ Y tế nên trả lời được các câu hỏi mà người dân hiện nay đang băn khoăn: Tại sao nước sản xuất vắc xin Quinvaxem là Hàn Quốc cũng không dùng vắc xin này để tiêm chủng? Liệu việc tiêm vắc xin có khiến bệnh tiềm ẩn của trẻ nặng lên hay không? Có làm tăng số lượng cái chết do bệnh lý hay không?" - TS Tuấn chất vấn.
Theo TS Tuấn, để trả lời các câu hỏi đó, Bộ Y tế cần một cuộc điều tra trên diện rộng, về tỷ lệ tai biến, phản ứng nặng nhẹ, tử vong sau tiêm Quinvaxem và so sánh với các nước trên thế giới. Nghiên cứu này phải được một tổ chức độc lập thực hiện thì kết quả đưa ra mới khiến người dân cảm thấy thuyết phục…
Về vấn đề này, PGS.TS Phu cho biết, Bộ Y tế đã rất minh bạch, công khai các thông tin về vắc xin và các vụ tai biến sau tiêm vắc xin. Khi có một vụ tử vong sau tiêm bất cứ loại vắc xin nào, Bộ Y tế đều yêu cầu Hội đồng đánh giá phản ứng sau tiêm của Sở Y tế nơi xảy ra vụ việc, với nhiều chuyên gia y tế thuộc nhiều lĩnh vực để kiểm tra, đánh giá, kết luận. Ca nào tử vong do trùng hợp bệnh lý, ca nào do thực hành tiêm chủng, ca nào sốc do phản vệ đều thông tin đầy đủ cho dư luận.
PGS.TS Phu dẫn chứng không chỉ Quinvaxem mà vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng sau tiêm nhất định. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 11-2015, với gần 3,5 triệu liều vắc xin đã được sử dụng, cả nước có 8 ca tử vong sau tiêm Quinvaxem. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ. Ngoài ra còn có thêm 8 ca phản ứng nặng (sốt cao, co giật, tím tái) nhưng đều đã được cấp cứu kịp thời. Còn vắc xin BCG phòng bệnh lao, từ đầu năm 2015 đến nay, cũng đã có 6 ca tử vong sau tiêm, vắc xin phòng viêm gan B cũng có 5 ca tử vong. Nguyên nhân tử vong đều do bệnh lý trùng hợp hoặc không rõ.
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận ca phản ứng, tử vong sau tiêm vắc xin dịch vụ nhưng kết quả ghi nhận các trường hợp khóc nhiều dai dẳng chiếm 5,3%, nôn 16%. Tỷ lệ các phản ứng này gần như tương đương với vắc xin ho gà toàn tế bào khác, trong đó có Quinvaxem.
Nhận định về điều này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết "Không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn, kể cả vắc xin dịch vụ, vắc xin vô bào mà người dân tin tưởng rằng không có phản ứng sau tiêm. Khi tiêm vắc xin là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để cơ thể gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích sản xuất kháng thể chống lại virus gây bệnh. Trong quá trình kích thích đó, sẽ có một vài người có phản ứng quá mẫn với "chất lạ" và gây ra các phản ứng quá mạnh hoặc sốc phản vệ. Các phản ứng này cũng rất khó dự đoán để phòng tránh. Tuy nhiên, những tỷ lệ này thường rất thấp, chỉ vài chục trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm. Các nhà sản xuất, nghiên cứu về vắc xin đều có đưa ra các khuyến cáo này".
Bộ trưởng cũng cho biết, việc chờ đợi vắc xin dịch vụ trong khi nguồn cung đang khan hiếm sẽ đánh mất cơ hội phòng bệnh cho con. "Nếu trẻ tiêm chủng thì nguy cơ tử vong sẽ là 1-4 ca/1 triệu mũi tiêm. Còn trẻ không được tiêm chủng và không tiêm đúng lứa tuổi khuyến cáo thì nguy cơ tử vong do mắc phải các bệnh được dự phòng là 100-200 trường hợp/1 triệu trẻ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Vắc xin Quinvaxem được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2010, do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng GAVI tài trợ từ năm 2010, mỗi năm sử dụng khoảng 4,5-5 triệu liều, đến nay đã sử dụng hơn 25 triệu liều, với tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 90%, tỷ lệ miễn dịch đạt 80-90%. Nghĩa là hàng chục triệu trẻ đã thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh, hàng nghìn trẻ thoát chết, hàng chục triệu gia đình không phải mất chi phí khổng lồ vì bệnh tật" - GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ - Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng. |