Thanh tra công vụ - tăng cường trách nhiệm

Bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 07/01/2016

(HNM) - Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm 2015, Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, có trường hợp thanh tra lập biên bản vi phạm, chuyển cho chính quyền xử lý nhưng việc xử lý thiếu quyết liệt.


Việc phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Thanh tra Xây dựng và chính quyền địa phương cũng là những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm trước, dẫn đến những công trình vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc dư luận. Điển hình là công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình), do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư, đã vi phạm cả khoảng lùi, chiều cao, diện tích sàn xây dựng. Từ thời điểm làm móng cho đến khi hoàn thiện, công trình này bị Thanh tra Xây dựng, chính quyền địa phương nhiều lần lập biên bản, ra quyết định đình chỉ… nhưng việc xử lý không đến nơi đến chốn nên vi phạm cứ tiếp diễn vi phạm.

Công trình vi phạm tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Ảnh: Hải Anh


Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, năm 2015, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 20.582 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 2.668 trường hợp. 100% các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) được thanh tra đề xuất biện pháp, chuyển hồ sơ đến UBND các cấp xử lý theo quy định của pháp luật và quy chế phối hợp quản lý TTXD. Kết quả, chính quyền địa phương đã xử lý 1.799 trường hợp, trong đó có 436 trường hợp cưỡng chế phá dỡ, 869 trường hợp vẫn đang tiếp tục giải quyết… Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ, trách nhiệm xử lý công trình vi phạm là của Thanh tra Xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định Thanh tra chỉ kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm, còn thẩm quyền xử lý thuộc chủ tịch UBND cấp phường, xã. Nên nhiều trường hợp, Thanh tra phát hiện vi phạm TTXD, lập hồ sơ chuyển chính quyền nhưng không được xử lý kịp thời đã dẫn đến vi phạm kéo dài. Ngược lại, cũng có trường hợp , Thanh tra chưa làm hết trách nhiệm, không lập hồ sơ vi phạm TTXD thì chính quyền cũng không xử lý được. Đây chính là nguyên nhân tạo cơ hội cho vi phạm TTXD tồn tại.

Sau khi kiện toàn tổ chức, bộ máy, hoàn thiện các quy định pháp lý, việc quản lý TTXD trên địa bàn TP Hà Nội đã đồng bộ, thống nhất và thực hiện liên tục. Từng cấp, ngành xác định rõ trách nhiệm, việc xử lý vi phạm TTXD đã có chuyển biến. Điển hình, trong năm 2015, các đội thanh tra đã tham mưu chính quyền địa phương ban hành 1.258 quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, thu phạt hơn 13 tỷ đồng. Số quyết định xử phạt hành chính được Thanh tra Xây dựng đôn đốc tăng 157%; số tiền xử phạt tăng 284% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, hoạt động của các đội thanh tra không đồng đều. Một số địa phương có tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính rất thấp, thậm chí Đống Đa, Sơn Tây, Thạch Thất chỉ xử phạt 1 trường hợp; Phúc Thọ, Quốc Oai không xử phạt được trường hợp nào.

Vấn đề đáng nói nữa là quy trình xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công chưa đồng bộ về trình tự, thời gian, thẩm quyền (giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 180/2007/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, Nghị định 102/2014/NĐ-CP). Có nơi áp dụng Nghị định 180/2007/NĐ-CP, có nơi áp dụng Nghị định 102/2014/NĐ-CP để xử lý vi phạm có liên quan đến quản lý - sử dụng đất, nên không tạo ra sự thống nhất. Được biết, trong tổng số 2.668 trường hợp vi phạm TTXD, có tới 1.175 công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Vấn đề này, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiến nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đất nông - lâm nghiệp, đất công, thống nhất trên địa bàn thành phố; trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ từng ngành để hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh hoặc chồng chéo thẩm quyền giải quyết.

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 là nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý vi phạm TTXD giữa Thanh tra và chính quyền các cấp; tăng cường giám sát, kịp thời lập hồ sơ trường hợp vi phạm TTXD từ khi mới phát sinh, chuyển các cấp chính quyền xử lý. Đồng thời, tập trung thanh tra công vụ, xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, thanh tra viên không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm trên địa bàn mà không phát hiện kịp thời. Được biết, năm 2015, Thanh tra Sở Xây dựng đã thành lập hội đồng kỷ luật, báo cáo lãnh đạo Sở Xây dựng xem xét kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương 8 trường hợp, kiểm điểm - rút kinh nghiệm 16 trường hợp, đang xem xét kỷ luật 10 trường hợp cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Gia Khánh