Xét xử 4 đại án tham nhũng vào đầu năm 2016
Pháp luật - Ngày đăng : 21:03, 06/01/2016
Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương. |
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng (5/1/1966 - 5/1/2016), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) Phan Đình Trạc vừa có bài trả lời trên trang thông tin điện tử của Ban Nội chính Trung ương. Trong đó, ông Trạc có những đánh giá về hiệu quả phòng chống tham nhũng từ thời điểm tái lập Ban Nội chính Trung ương vào tháng 12/2012 đến nay.
Ông Phan Đình Trạc cho biết: Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo dõi thì trong 2 năm 2014 và 2015, đã xét xử sơ thẩm 14 vụ/149 bị cáo với 8 án tử hình cho 7 bị cáo, 14 án chung thân cho 13 bị cáo, 2 án 30 năm tù cho 2 bị cáo, 126 bị cáo có mức án từ 2 đến 25 năm tù (chỉ 2 bị cáo được hưởng án treo) và đầu năm 2016 sẽ đưa 4 vụ/49 bị cáo ra xét xử sơ thẩm.
Trong 8 vụ án trọng điểm, Ban Chỉ đạo yêu cầu xét xử trước Đại hội XII thì đã xét xử sơ thẩm 6 vụ, đang xét xử 2 vụ. Các vụ án Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã xét xử sơ thẩm 17 vụ/119 bị cáo, trong đó có 2 bị cáo có mức án tù 20 - 30 năm, 67 bị cáo mức án tù từ 2 năm đến dưới 20 năm.
Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, đó là kết quả của quyết tâm chính trị cao của Đảng và nhà nước về PCTN; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban chỉ đạo; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của Đảng ủy và lãnh đạo các ban ngành trung ương và địa phương.
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương đóng góp ở trên 7 nội dung. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: Tham mưu, đề xuất cơ chế theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm theo 3 cấp độ: Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Ban Nội chính cũng tham mưu cho Ban Chỉ đạo cơ chế chỉ đạo, xử lý khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý án đảm bảo đúng quy định của pháp luật theo từng cấp độ. Trong đó, có một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, còn có quan điểm xử lý khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương (gồm: vụ Nguyễn Đức Kiên; vụ Huỳnh Thị Huyền Như; vụ Phạm Công Danh; vụ Vinalines…).
Ngoài ra, Ban Nội chính đã tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng cho hưởng án treo không đúng đối với các tội phạm về tham nhũng. Đặc biệt, Ban đã tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng (tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng năm 2013 chưa đạt 10%, năm 2014 đạt trên 22%, năm 2015 trên 55%).
Ban Nội chính cũng đã ký kết quy chế phối hợp công tác với 9 cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (bao gồm Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước...).
Ông Phan Đình Trạc cho rằng, công tác phát hiện, nhất là tự phát hiện tham nhũng vẫn đang là khâu yếu. Do đó, Ban Nội chính Trung ương đã tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo tăng cường chỉ đạo công tác phát hiện tham nhũng như: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN, nhất là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (hậu kiểm); đề xuất Ban Chỉ đạo rà soát hoạt động tín dụng để phòng ngừa (trong năm 2016, Ban sẽ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực Thuế, Hải quan).
Nói thêm kế hoạch tới đây, ông Phan Đình Trạc cho biết, Ban Nội Chính trung ương sẽ thực hiện 6 nhiệm vụ. Trong đó, tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng về PCTN, xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN. “Thể chế nói chung và thể chế về PCTN nói riêng là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế hình thành nhóm lợi ích và lợi ích nhóm. Đây là nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng và thực hiện chính sách” – ông Trạc nói.
Bên cạnh đó, tới đây Ban Nội chính Trung ương sẽ phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, báo chí và mọi người dân trong PCTN; xây dựng văn hóa PCTN, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức.