Lên cơn sốc, nhập viện vì lái xe Uber

Xã hội - Ngày đăng : 14:29, 06/01/2016

Việc một nữ hành khách, sau khi chấm điểm lái xe Uber 1 sao, đã bị đưa thông tin cá nhân lên trang web đen và liên tục bị quấy rối phải nhập viện, đang gây xôn xao dư luận cộng đồng mạng trong suốt mấy ngày nay.


Khách hàng bất an

Dịch vụ vận chuyển bằng ô tô Uber đã có mặt tại Việt Nam và nở rộ gần đây. Sau khi sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể chấm điểm cho từng lái xe. Cách làm này giúp Uber đánh giá được lái xe cũng như ghi nhận ý kiến phản hồi từ khách hàng.

Song cũng chính vì vậy, khi bị chấm điểm thấp, một lái xe đã hành xử không đúng mực khi đưa thông tin số điện thoại cá nhân của nữ khách hàng lên trên một nhóm mạng xã hội, sau đó bị lan truyền lên cả trang web đen.

Liên tục nhận được những cuộc gọi cùng tin nhắn từ người lạ với mục đích mua dâm, L. - cô gái là nạn nhân, không chỉ bị hoảng loạn mà vì quá sốc nên đã bị ngất, phải nhập viện.


Tài xế trên thì thừa nhận có đưa số điện thoại cùng tên đầy đủ của cô gái lên nhóm trò chuyện giữa các tài xế của Uber, nhưng phủ nhận việc đưa thông tin lên trang web khiêu dâm.

Trước sự việc này, đại diện Uber cho biết, đối tác lái xe liên quan đã bị ngưng hoạt động ngay lập tức cho đến khi cuộc điều tra chính thức có kết quả.

Phía Uber cũng cho hay, sau những chuyến đi bị khách hàng đánh giá 1 sao, đội ngũ Uber sẽ liên lạc với phía khách và đối tác để điều tra rõ ràng. Trường hợp nghiêm trọng hay có hành vi không phù hợp từ hành khách hay đối tác, Uber sẽ lập tức khoá tài khoản để chờ điều tra. Nếu không có gì nghiêm trọng, Uber sẽ nhắc nhở và hướng dẫn lại để tài xế cải thiện dịch vụ.

Thời gian tới, Uber sẽ ẩn danh số điện thoại của cả hành khách và đối tác nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, ngăn chặn trường hợp tương tự có thể xảy ra, đảm bảo sự an toàn riêng tư của khách hàng và đối tác tài xế.

Nhiều thành viên cộng đồng mạng, trong đó có nữ giới, bày tỏ sự lo ngại về dịch vụ vận chuyển Uber khi biết về sự việc trên. Chị Nguyễn Thị Nga, một người thường xuyên sử dụng Uber, cho hay: “Mình rất sợ xảy ra tình trạng tương tự. Uber cho biết họ chỉ là dịch vụ trung gian và sẽ không chịu trách nhiệm chính từ những tranh chấp giữa tài xế và khách hàng. Trong khi đó, việc quản lý lái xe lại không tốt”.

Chị Hoàng Thuỳ Linh - một khách hàng khác, cũng cảm thấy bất ổn vì số điện thoại của chị được lái xe lưu lại để liên lạc, nếu gặp đối tượng xấu thì việc bị phát tán hoàn toàn có thể xảy ra. “Uber không có tổng đài như các hãng khác nên việc khiếu kiện cũng gặp khó khăn. Sắp tới chắc mình phải chuyển sang taxi khác vì Uber rẻ mà không an toàn thì cũng không nên dùng”, chị Linh nói.

Uber phải bồi thường cho khách hàng

Liên quan tới vụ việc này, luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Bắc Nam, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho rằng doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Danh Huế


Trao đổi với phóng viên, ông Huế nhận định, đây là hành vi của cá nhân nhưng việc vận chuyển kháck là giao kết trực tiếp giữa doanh nghiệp với khách hàng. Người lái xe, về danh nghĩa là người của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp đó sẽ phải đứng ra bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu lái xe hoàn trả lại chi phí cho mình theo quy định tại bộ Luật Dân sự.

Phía khách hàng, nếu thiệt hại về vật chất, có thể chứng minh qua chi phí thực tế để ngăn chặn và khắc phục hậu quả, thu nhập của những ngày phải nghỉ làm, chi phí khám chữa bệnh và điều trị tại bệnh viện do hành vi vi phạm đó gây nên.

Chi phí bồi thường về mặt tinh thần bị tổn hại thường sẽ khó chứng minh hơn, nhưng tùy vào tổn hại thực tế có thể xác định được để yêu cầu mức bồi thường hợp lý.

Ông Huế tư vấn thêm, đối với các cá nhân cần cảnh giác và bảo vệ thông tin của mình một cách cẩn trọng, tránh rủi ro trong bối cảnh mạng xã hội rất phổ biến như hiện nay.

Khi quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thì mọi người nên yêu cầu người xâm phạm quyền lợi của mình chấm dứt ngay hành vi đó và có biện pháp khắc phục, đồng thời trình báo để các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

“Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm…

Người có hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra và phải xin lỗi, cải chính công khai:

“Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”

Ngoài ra hành vi phát tán thông tin của người khác trái pháp luật cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm Nhục người khác" theo quy định tại điều 121 Bộ Luật Hình Sự.

Theo D.Anh - M.Khôi/Vietnamnet