Chấm điểm công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian: Còn nặng tính hình thức
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 06/01/2016
Việc chấm điểm nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực, phản cảm, nhân lên những giá trị tốt đẹp của LH; tạo ra sự "cạnh tranh" công khai, lành mạnh giữa các địa phương. Song, do cách làm chưa hợp lý nên công tác chấm điểm LH không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí, nhiều người cho rằng việc làm này mang tính hình thức.
Hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội dân gian vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Ảnh: Bá Hoạt |
Kỳ vọng lớn
Theo quy định của Bộ VH, TT&DL, các tỉnh, thành phố đều phải tham gia chấm điểm công tác quản lý, tổ chức LH dân gian thông qua 3 "kênh" (địa phương tự chấm, cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các cơ quan báo chí chấm). Thang điểm tối đa là 100 điểm, trong đó, việc bảo đảm môi trường an toàn được đánh giá cao nhất với 40 điểm, việc thực hiện nếp sống văn minh trong LH được 25 điểm. Số điểm còn lại dành để đánh giá việc xây dựng kế hoạch tổ chức LH hằng năm (9 điểm); quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo về LH (6 điểm); tổ chức các hoạt động dịch vụ đúng quy định (10 điểm); thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm tại cơ sở (10 điểm).
Từ quy định chung, Bộ VH,TT&DL đưa ra các tiêu chí cụ thể để chấm điểm, chẳng hạn như việc đặt hòm công đức đúng nơi quy định; quản lý, sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích; không đổi tiền lẻ tại di tích hay bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… được chấm từ 3 đến 10 điểm. Các địa phương sẽ được cộng điểm khi tổ chức đánh giá chấm điểm chính xác, có cách làm sáng tạo, đột phá trong công tác quản lý, tổ chức LH, được dư luận đánh giá tốt; bị trừ điểm khi còn những điều chướng tai gai mắt bị dư luận lên án.
Sau khi tổng hợp kết quả từ các "kênh" và chia trung bình, địa phương nào đạt từ 95 điểm trở lên được đánh giá là hoàn thành xuất sắc (loại A), đạt từ 85 đến 94 điểm là hoàn thành tốt (loại B), đạt từ 51 đến 84 điểm là hoàn thành (loại C), từ 50 điểm trở xuống là chưa hoàn thành… Qua đó có thể thấy, các tiêu chí đưa ra chấm điểm phản ánh tương đối đầy đủ nội dung công việc cần làm, cần khắc phục trong khâu quản lý, tổ chức LH dân gian ở các địa phương, được kỳ vọng là giải pháp đúng.
Không hiệu quả
Tuy nhiên, khi áp vào thực tế, việc chấm điểm công tác quản lý, tổ chức LH chẳng khác gì "cưỡi ngựa xem hoa". Bởi hàng nghìn LH dân gian, nhất là những LH lớn đều diễn ra vào 3 tháng mùa xuân, thậm chí diễn ra trong cùng một ngày, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí không thể đi hết được, khó chấm cho công bằng, khách quan. Mặt khác, người chấm điểm đa phần không phải là chủ thể văn hóa của LH, nhiều khi có cách đánh giá khác với cộng đồng. Như với tục tranh lộc, cướp phết trong một số LH thì theo cách nhìn nhận thông thường sẽ là khuyết điểm, mặt trái, nhưng cộng đồng dân cư nơi những LH này diễn ra lại coi đó là việc bình thường, không tranh cướp thì sẽ bớt vui, bớt thiêng.
Đáng nói hơn, sự phân bố LH dân gian ở các địa phương không đều nhau, có những địa phương phải lo tổ chức, quản lý hàng chục LH lớn mỗi năm. Song, cũng có những địa phương cả năm chỉ tổ chức một vài LH nhỏ nên việc chấm điểm LH dựa trên những tiêu chí chung được cho là không hợp lý, thiếu công bằng. Điều đó lý giải tại sao các tỉnh, thành phố có nhiều LH như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định… nhận được số điểm khá thấp từ phía cơ quan nhà nước và cơ quan báo chí, trong khi đó Bình Định, Bạc Liêu, Tây Ninh… có số điểm tương đối cao.
Việc chấm điểm LH không đạt hiệu quả như mong muốn còn thể hiện ở việc trong năm 2015, 30 tỉnh, thành phố không tự chấm điểm, khiến Bộ VH,TT&DL không đủ căn cứ để đánh giá, xếp loại. Với những tỉnh, thành phố có chấm điểm, địa phương nào cũng tự đánh giá là hoàn thành tốt hoặc xuất sắc công tác quản lý, tổ chức LH dân gian, trong khi cơ quan báo chí chỉ ghi nhận tỉnh Lào Cai và Thừa Thiên Huế hoàn thành xuất sắc. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tỷ lệ địa phương xếp loại A chiếm 9,52%, xếp loại B là 79,36% (50 tỉnh, thành phố), xếp loại C chiếm 11,11% (7 tỉnh, thành phố), không có địa phương nào không hoàn thành, trong khi mặt trái của LH dân gian vẫn "nóng ran" mặt báo.
Trước tình trạng này, đại diện một số cơ quan báo chí kiến nghị Bộ VH,TT&DL chọn ra một số LH dân gian tiêu biểu, có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng để chấm điểm theo những tiêu chí rõ ràng. Một số nhà khoa học thì cho rằng, LH dân gian còn "sạn" do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quản lý, tổ chức yếu kém. "Yếu, kém ở khâu nào thì phải khắc phục ở khâu đó. Yếu, kém ở khâu quản lý, tổ chức thì cần nâng cao trình độ cho người tổ chức, quản lý, không nhất thiết phải dùng tới hình thức chấm điểm gây tốn kém, khó triển khai", GS. Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc) nói.
Mặc dù còn những ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định, việc chấm điểm công tác quản lý, tổ chức LH dân gian tiếp tục được thực hiện trong năm 2016. Hy vọng, Bộ VH,TT&DL sẽ đưa ra hình thức chấm điểm phù hợp để kết quả phản ánh đúng thực chất, tránh tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa".
Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai Nguyễn Thị Tố Uyên: "Là một trong hai địa phương được đánh giá hoàn thành xuất sắc công tác quản lý, tổ chức LH từ tất cả các đơn vị tham gia chấm điểm, chúng tôi vẫn không cảm thấy vui. Cách đánh giá hiện nay mang tính phong trào, hình thức. Để các địa phương tự chấm điểm là thiếu khách quan, nhưng nếu tổ chức chấm chéo giữa các địa phương thì sẽ rất phức tạp, tốn kém". |