Trung Đông: Căng thẳng không ngừng leo thang

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:08, 06/01/2016

(HNM) - Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia bắt đầu từ khi Saudi Arabia hành quyết 47 người với tội danh khủng bố, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite thân Iran Nimr al-Nimr.

Cuộc đối đầu ngoại giao nghiêm trọng không dừng lại trên bình diện song phương giữa hai quốc gia vùng Vịnh mà đã mở rộng một cách đáng quan ngại khi một loạt quốc gia Trung Đông cũng có những hành động cứng rắn với Iran. Trong khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hạ cấp quan hệ ngoại giao, hạn chế số lượng nhà ngoại giao Iran tại vương quốc này, thì Sudan và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran để đáp trả việc người biểu tình nước này tấn công phái bộ ngoại giao Saudi Arabia nhằm phản đối việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Cái chết của giáo sĩ Nimr al-Nimr đã châm ngòi cho căng thẳng trong quan hệ Iran -Saudi Arabia và cả khu vực Trung Đông.


Sự kiện này cũng khiến cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite tại nhiều nơi trên thế giới dậy sóng với những cuộc biểu tình bạo động. Vậy vị giáo sĩ này có vai trò như thế nào khiến đất nước Iran bị kích động?

Giáo sĩ Nimr al-Nimr là một nhân vật chủ chốt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia. Năm 2009, ông đe dọa sẽ tách tỉnh miền Đông - nơi cộng đồng Shiite thiểu số sinh sống và cũng là vùng sản xuất dầu mỏ lớn - ra khỏi Saudi Arabia. Sau nhiều lần chỉ trích luật lệ của Saudi Arabia trong việc đối xử không công bằng và cách ly cộng đồng người Shiite thiểu số, năm 2012 ông bị bắt và bị kết án tử hình năm 2014. Trong bối cảnh người Shiite tố cáo chính quyền Saudi Arabia phân biệt đối xử với họ, việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr như "đổ thêm dầu vào lửa", khiến quan hệ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite ở Saudi Arabia nói riêng và khu vực nói chung ngày càng trở nên căng thẳng.

Vào thời điểm xung đột sắc tộc leo thang tại Yemen, Syria và Iraq, sự kiện giáo sĩ Nimr al-Nimr bị hành quyết là một minh chứng cho thấy chính sách cứng rắn của Saudi Arabia với Iran cũng như mối bất hòa tín ngưỡng trong nước. Thế nhưng, với phản ứng dây chuyền khi một loạt quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran thì căng thẳng tại điểm nóng Trung Đông được dự báo sẽ diễn biến thất thường và những bất đồng này sẽ tác động đến sự ổn định của khu vực. Điều này không phải không có cơ sở, bởi lịch sử quan hệ thăng trầm giữa Iran và Saudi Arabia đã cho thấy điều đó.

Saudi Arabia và Iran đều là quốc gia Hồi giáo, nhưng Saudi Arabia là vương quốc Hồi giáo Sunni có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và Anh, còn Iran là nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Shiite được thành lập trên cơ sở đối nghịch với phương Tây. Cả Riyadh và Tehran đều muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo và có quan điểm khác biệt về trật tự và ổn định khu vực Trung Đông. Cả hai nước đã đối đầu quân sự gián tiếp khi ủng hộ các thế lực đối lập trong cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Bahrain và Lebanon. Vì thế, nếu căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Vịnh không được hóa giải, khu vực Trung Đông sẽ đứng trước những nguy cơ bất ổn khó đoán định.

"Cơn bão ngoại giao" giữa Riyadh - Tehran đang kéo sự quan tâm của dư luận thế giới và những ngày qua mọi nỗ lực ngoại giao con thoi của cộng đồng quốc tế được thực hiện nhằm góp phần hạ nhiệt căng thẳng. Trong nỗ lực chung đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã điện đàm với Ngoại trưởng Saudi Arabia và Iran khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước cần có những bước đi mang tính xây dựng vì lợi ích của khu vực cũng như thế giới. Người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh cảnh báo việc hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao có thể "gây hậu quả rất nghiêm trọng" đối với khu vực, bởi Iran và Saudi Arabia đều đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc nội chiến gần 5 năm qua tại Syria và tìm giải pháp chính trị cho xung đột tại Yemen.

Giữa lúc căng thẳng ngoại giao không ngừng leo thang, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán Iran có thể chọn tăng cường áp lực kinh tế đối với Saudi Arabia khi nước này đối mặt với thâm hụt lớn trong nhiều lĩnh vực qua việc "bơm" dầu giá rẻ vào thị trường thế giới. Giá dầu thấp về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Saudi Arabia. Vì thế, Iran cũng có thể đáp trả bằng việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho phiến quân nổi dậy Houthi vốn theo dòng Shiite ở Yemen. Đây chính là nhóm phiến quân mà Saudi Arabia đang dẫn đầu liên minh để tiêu diệt. Điều đáng quan ngại hơn, những căng thẳng mới nhất có thể cản trở nỗ lực của phương Tây nhằm lôi kéo cả Iran và Saudi Arabia tham gia chiến lược chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria cũng như cuộc chiến chống tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Đình Hiệp