Ngành đường sắt phải thay đổi tư duy, trước hết từ người đứng đầu!
Giao thông - Ngày đăng : 19:44, 05/01/2016
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GT-VT, năm qua, dù được đầu tư không nhiều nhưng ngành đường sắt đã tự đổi mới, quyết liệt tái cơ cấu, biết cách “thắt lưng buộc bụng” thay đổi chất lượng dịch vụ, xây dựng các ke ga, biểu đồ chạy tàu tỷ lệ đúng giờ tăng lên nhiều và thực hiện tái cơ cấu quyết liệt nên đã thu được nhiều kết quả cao như doanh thu đạt hơn 11.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của đường sắt còn chưa cao so với các loại hình vận tải khác. Vé máy bay chặng Pleiku-Hà Nội của một hãng hàng không chỉ có giá 280.000 đồng (liên tục được khuyến mại). Kể từ khi hàng không khai thác đường bay này, giá vé đường bộ đã giảm xuống 250.000 đồng trong khi vé tàu cao hơn nhiều lần. “Vé tàu hỏa vẫn cao hơn máy bay thì ai đi đường sắt?” Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, năm 2015, Bộ GT-VT chỉ thực hiện cổ phần hóa 33 doanh nghiệp Nhà nước trong đó đường sắt là 24 doanh nghiệp (chiếm hơn 70%). Tuy nhiên, các công ty vận tải đường sắt là chủ lực nhưng lãi chỉ 5 tỷ đồng trong năm 2015. Năm 2016, Tổng công ty phấn đấu lên 10 tỷ đồng là quá ít. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khi tái cơ cấu và cổ phần hóa, số lao động là 11.000 người. Đến nay, số lượng máy bay tăng gấp đôi, doanh thu tăng, nhưng người bắt đầu giảm. Đầu năm 2016 này giảm còn hơn 6.000 người. Vietnam Airlines không đuổi người lao động ra đường mà tách thành bộ phận riêng. Từ đó Vietnam Airlines có thể tăng lương cho phi công, sửa chữa và các bộ phận chủ lực dẫn đến thu nhập bình quân tăng. Trong khi đó, đường sắt vẫn duy trì số lao động lớn nên thu nhập thấp là đương nhiên. Do đó, VNR phải tiếp tục đổi mới hơn nữa và không được thỏa mãn với những thành quả bước đầu này.