Bắn cung Hà Nội: Hy vọng với cung một dây
Thể thao - Ngày đăng : 06:36, 05/01/2016
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội giành suất chính thức tham dự Olympic Rio 2016 của nữ cung thủ Lộc Thị Đào và nhóm nữ cung một dây?
- Trong thi đấu môn bắn cung, cơ hội luôn là 50/50. Ví dụ như ở Giải vô địch Châu Á diễn ra vào tháng 11-2015, nếu Lộc Thị Đào đạt kết quả tốt hơn chút nữa thôi để vươn lên vị trí thứ 3 Châu Á thì suất dự Olympic Rio 2016 đã thuộc về cung thủ này rồi. Giờ thì phải tập trung tối đa để tập luyện và thi đấu thành công ở các giải tuyển chọn VĐV dự Olympic năm 2016. Để có thể giành được suất dự Olympic, Lộc Thị Đào phải phấn đấu xếp trong nhóm 3 VĐV dẫn đầu ở các giải này. Với đội nữ cung một dây, hiện đang đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng, nếu muốn dự Olympic thì các em phải tích điểm tốt qua từng giải để vươn lên vị trí thứ 10. Trên cơ sở thực lực hiện tại, chúng ta có quyền hy vọng, điều quan trọng là các cung thủ phải thể hiện tốt khả năng đúng lúc, đúng thời điểm thi đấu.
- Chúng ta sẽ tham gia các giải nào để tích điểm dự Olympic, thưa ông?
- Năm 2016, bắn cung còn 3 cuộc thi đấu tích điểm, bao gồm Cúp Bắn cung quốc tế (tháng 3, tại Thái Lan), hai giải đấu khác vào tháng 4 ở Thượng Hải - Trung Quốc và vào tháng 5-2016 ở Côlômbia. Hiện nay, Bắn cung Hà Nội và đội tuyển Bắn cung quốc gia đã sắp xếp các điều kiện tốt nhất để Lộc Thị Đào và đội cung một dây nữ được đầu tư về trang thiết bị thi đấu. Cung thủ Lộc Thị Đào đã được đưa vào nhóm VĐV đầu tư trọng điểm. Tất cả đều nỗ lực hết mình cho mục tiêu quan trọng là giành suất dự Olympic.
- Năm 2016, ngoài mục tiêu này, Bắn cung Hà Nội còn nhắm những đích nào?
- Đạt được mục tiêu giành suất dự Olympic chắc chắn là thành công lớn rồi. Cái may là Bắn cung Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, được mời chuyên gia Hàn Quốc và tạo điều kiện tốt nhất về trang thiết bị. Thêm nữa, 2016 còn là năm bản lề chuẩn bị cho SEA Games 29-2017 và ASIAD 2018, chính vì vậy, Bắn cung Hà Nội tập trung đầu tư cho nhóm ba dây với hạt nhân là cung thủ Nguyễn Tiến Cương.
- Đó là sự đầu tư xứng đáng bởi một cung thủ có thể duy trì khả năng thi đấu đỉnh cao rất lâu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bắn cung Hà Nội luôn có những cung thủ giỏi, được kỳ vọng giành huy chương ở các kỳ đại hội thể thao khu vực và châu lục. Các cung thủ đạt độ chín ở giai đoạn 25 đến 30 tuổi, nhưng thực tế là vẫn có những nhà vô địch thế giới ở độ tuổi 40-45. Nghĩa là tuổi nghề của VĐV bắn cung rất dài, ngoài sự chuẩn bị về kỹ năng chuyên môn, vấn đề tâm lý, kinh nghiệm, trạng thái thi đấu của các VĐV luôn là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Điều đáng quý là những hạt nhân của chúng ta như Lộc Thị Đào, Nguyễn Tiến Cương… đều rất yêu nghề, muốn trở thành những VĐV xuất sắc. Tôi được biết là hai cung thủ này đang được xem xét tuyển vào biên chế của ngành Thể thao, đây là điều rất quan trọng để VĐV có thể yên tâm gắn bó lâu dài với thể thao Thủ đô và toàn tâm toàn ý phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn.
- Ông có thể chia sẻ thêm về các tuyến đào tạo VĐV bắn cung của Hà Nội?
- Bộ môn đang đào tạo hơn 50 VĐV ở cả 3 tuyến là đội tuyển, đội trẻ và năng khiếu, trong đó, riêng tuyến đội tuyển có hơn 20 VĐV. Sự thực thì bắn cung không đủ hệ thống đào tạo năng khiếu ở quận, huyện để có thể “bơm” quân thường xuyên cho đội tuyển. Bởi thế mà người ta hay nói vui rằng cách làm của bắn cung là “muối xổi”, phải đi khắp nơi “nhặt” quân. Ngay trong đội tuyển Bắn cung Hà Nội cũng có nhiều cung thủ vốn là người ở các tỉnh khác, chúng tôi có được họ qua quá trình đi tuyển chọn, sàng lọc, tìm kiếm hạt nhân.
- Cảm ơn ông!