Sai thẩm quyền, không đúng mục đích, vẫn khó thu hồi!

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:44, 05/01/2016

(HNM) - Hàng chục năm đã trôi qua, không kỳ họp, kỳ tiếp xúc cử tri nào mà người dân không đề nghị nhưng sau đó không được giải quyết.

Hàng chục năm đã trôi qua, không kỳ họp, kỳ tiếp xúc cử tri nào mà người dân không đề nghị nhưng sau đó không được giải quyết. Ông Đỗ Quốc Chính, 69 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố 4, phường Phúc La cho biết: Trước kia, bố tôi đã cùng các cụ đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nguyện vọng lấy lại đất miếu, nay đến đời tôi…

Đường vào miếu Yên Phúc cũng là lối vào nhà các hộ dân.


Xin hai, mới được một

Miếu Yên Phúc thuộc địa giới Tổ dân phố 2, phường Phúc La, quận Hà Đông thờ Thành hoàng làng Đức Thánh An Trì Linh Lang Đại Vương. Đây là vị anh hùng chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Miếu khởi dựng cách đây 300 năm trên tổng diện tích 1.930m2. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, người dân làng Yên Phúc đã cho Ty Giao thông vận tải, thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hà Sơn Bình tạm mượn khu đất miếu làm nơi sơ tán vật tư, làm bến phà qua Sông Nhuệ. Năm 1983, UBND tỉnh Hà Sơn Bình ban hành Quyết định 248-QĐ/UB, cho phép Sở GTVT Hà Sơn Bình sử dụng 1.930m2 đất ở khu miếu để xây dựng trụ sở đội xuồng máy và cơ quan bảo đảm an toàn giao thông. Năm 1985, Sở GTVT Hà Sơn Bình ban hành Quyết định 65/KT, chuyển giao 1.210m2 đất tại khu miếu cho Xí nghiệp Khảo sát thiết kế giao thông (nay là Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông - gọi tắt là Công ty CP Tư vấn) để xây dựng trụ sở làm việc và nơi sinh hoạt tập thể, phần còn lại 720m2 là diện tích đất ở thuộc Khu tập thể Sở GTVT. Do đó, nằm xen kẹt giữa những nhà tập thể lụp xụp là bàn thờ lộ thiên xây bằng gạch hướng ra Sông Nhuệ, phía trên lợp mái tôn đền thờ Đức Thánh, thờ Mẫu. Diện tích còn lại hiện tại của miếu chỉ là 247m2.

Bà Đỗ Thị Dụ, 74 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố 4 cho biết: Năm 1965, tôi là cán bộ của HTX nông nghiệp Yên Phúc. Thời điểm đó, UBND xã Văn Yên (nay là UBND phường Phúc La) thông báo mượn tạm đất ở miếu Văn Quán (thuộc địa bàn phường Văn Quán hiện nay) và miếu Yên Phúc làm bến phà, phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Khi UBND tỉnh Hà Sơn Bình có quyết định giao đất cho Sở GTVT Hà Sơn Bình, người dân đã đề nghị trả lại đất cho địa phương, nhưng không được giải quyết. Đến năm 1992, người dân tiếp tục có đơn gửi cơ quan chức năng, xin lại đất miếu Văn Quán và miếu Yên Phúc. Đến năm 2007, Sở GTVT tỉnh Hà Tây có văn bản nhất trí trả lại đất miếu, nhưng mãi đến năm 2009, đất miếu ở Văn Quán mới được giao trả về cho địa phương, còn đất miếu Yên Phúc vẫn chưa được giải quyết. Đến nay, việc sử dụng đất của các đơn vị thuộc Sở GTVT ở khu đất miếu không đúng quy định và không hiệu quả, mặt khác diện tích đó lại nằm trong chỉ giới hành lang Sông Nhuệ. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, giải quyết dứt điểm vì đây là đề nghị chính đáng của người dân trong suốt hơn 30 năm qua. Trong khi đó, một hộ dân ở khu đất miếu cho biết: Liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của địa phương, các hộ dân cũng không an tâm khi sinh sống tại đây, nhưng vì không có chỗ ở nào khác nên đành chịu. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét, đền bù diện tích chúng tôi đang sử dụng để khi phải di chuyển chỗ ở đỡ thiệt thòi.

Vì sao chậm giải quyết?

Dấu tích của miếu Yên Phúc hiện nay chỉ còn lại hai cột đồng trụ, gắn liền với vách cổng, tại đó khắc hình voi. Bên trong, có một bàn thờ lộ thiên nằm xen kẹt giữa các dãy nhà tập thể, không có nơi thờ tự tôn nghiêm. Theo kết quả đo đạc, khảo sát hiện trạng thực tế khu miếu Yên Phúc ngày 16-6-2013, tổng diện tích khu miếu rộng 1.753m2, tạm thời được chia thành 3 khu vực: Khu 1 rộng 698,9m2 gồm 4 gian nhà làm việc của Công ty CP Tư vấn cùng 11 gian nhà tập thể; khu 2 rộng 858,1m2, gồm nhiều công trình là nhà kiên cố và nhà cấp 4, là khu tập thể thuộc Sở GTVT TP Hà Nội; khu 3 rộng 196m2 là diện tích của lối đi vào miếu, cũng là lối vào nhà các hộ dân. Trong các dịp lễ hội, người dân địa phương thường tổ chức rước Thánh từ đình đến miếu với số lượng khoảng 500 người tham gia. Do không gian đất miếu chật hẹp nên rất dễ xảy ra va chạm giữa người dân địa phương với các hộ dân đang ở trên đất miếu.

Trong quá trình giải quyết đơn của người dân, UBND quận Hà Đông có ý kiến: Việc sử dụng đất của Công ty CP Tư vấn là không hiệu quả; Công ty tự ý cho các cán bộ ở tại Công ty là sai mục đích. Đồng thời, trong Báo cáo 1765/BC-STNMT-TTr ngày 20-12-2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng nhận định: Sở GTVT Hà Sơn Bình giao Xí nghiệp khảo sát thiết kế giao thông sử dụng 720m2 đất xây dựng khu tập thể là không đúng nội dung Quyết định 248-QĐ/UB ngày 14-12-1983 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình, vi phạm quy định tại Mục C, Điều 21 của Nghị định 47-CP ngày 15-3-1972 của Hội đồng Chính phủ. Đồng thời, Sở GTVT ban hành Quyết định số 65/KT ngày 28-8-1985 chuyển giao diện tích 1.210m2 đất khu miếu Yên Phúc cho Xí nghiệp khảo sát thiết kế giao thông quản lý sử dụng mà chưa được UBND tỉnh Hà Sơn Bình cho phép bằng văn bản là không đúng thẩm quyền… Thêm nữa, các công trình xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng, nhà xưởng và nhà ở tại khu miếu Yên Phúc nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ đê Sông Nhuệ là không phù hợp với quy định về bảo vệ đê điều và tuyến thoát lũ quy định tại Pháp lệnh Đề điều năm 2000. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng UBND quận Hà Đông kiểm tra, rà soát, làm rõ các di vật, cổ vật, công trình xây dựng có liên quan đến miếu thờ để xác định khu miếu Yên Phúc có phải là di tích hay không và xác định phạm vi bảo vệ vùng di tích, lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt khoanh vùng bảo vệ di tích khu miếu Yên Phúc theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Từ đó, đề nghị UBND thành phố giao UBND quận Hà Đông lập hồ sơ giao đất thực hiện quy hoạch bảo vệ miếu thờ theo quy định luật Đất đai và Luật Di sản văn hóa.

Đề nghị này của Sở Tài nguyên và Môi trường đã được UBND thành phố đồng ý tại Văn bản số 309/UBND-TNMT ngày 17-1-2014. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo nêu trên hết sức chậm chạp bởi gần nửa năm sau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, Thể thao) mới có văn bản yêu cầu UBND quận Hà Đông xác định giá trị di tích của miếu Yên Phúc. Ngày 26-1-2015, UBND phường Phúc La đã có Báo cáo số 14/BC-UBND gửi UBND quận Hà Đông, song đến nay UBND quận Hà Đông vẫn chưa có chỉ đạo mới (!?).

Như vậy, ngoài một phần diện tích rất nhỏ được sử dụng làm nơi làm việc của Công ty CP Tư vấn, phần lớn diện tích còn lại đang được sử dụng làm đất ở. Để biết rõ quan điểm giải quyết của đơn vị đã giao nhà, đất cho cán bộ của Sở GTVT, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với Sở GTVT, song đại diện của Sở này cho biết phần lớn đất ở đây thuộc quyền quản lý của Công ty CP Tư vấn. Ông Vũ Hoàng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn cho biết: Hiện tại Công ty đang quản lý 890m2, trong đó 14 hộ đang ở trong những căn nhà chỉ rộng chừng 9m2/ căn. Trước kia, chủ các căn hộ này đều có đơn gửi Công ty đề nghị được "mượn nhà", nhưng nay Công ty đòi họ lại chưa trả; trong số đó có 4 hộ đang cho thuê lại nhà, một số người cho người khác ở nhờ. Năm 2006, khi Xí nghiệp cổ phần hóa, phần nhà xưởng tại khu đất miếu này đã được tính vào giá trị tài sản của Công ty. Công ty sẵn sàng di dời, nhưng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giao đất cho Công ty ở một vị trí khác phù hợp.

Xuất phát từ việc cấp đất không đúng thẩm quyền, sử dụng sai mục đích, vụ việc tồn tại trong thời gian quá dài không được giải quyết kịp thời đã phát sinh nhiều hệ lụy. Cho dù diện tích đất không lớn, nhưng nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ xảy ra nguy cơ mất an ninh trật tự, nhất là khi người dân khu vực vẫn tiếp tục có đơn khiếu kiện. Để giải quyết triệt để vụ việc, cần sự phối hợp của UBND quận Hà Đông và các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao...

Thiện Mỹ