A, B, C rồi để làm gì?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 04/01/2016
Cũng như nhiều hội nghị tổng kết khác, cuộc họp về công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2015 có phần trình bày báo cáo của cơ quan quản lý ngành, tất nhiên không thể thiếu phần "thành tựu trong năm qua" trước khi bắt đầu phần hạn chế. Đại ý là công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong năm qua có sự chuyển biến rõ nét, những "khuyết tật của lễ hội" đã giảm đáng kể... Tuy vậy, tình trạng thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, tranh giành khách, gây mất an ninh, trật tự còn tồn tại. Hiện tượng đốt vàng mã không đúng nơi quy định vẫn xảy ra; công tác vệ sinh môi trường chưa bảo đảm…
Ai từng dự nhiều buổi tổng kết về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong những năm qua hẳn không dễ đủ nghị lực để đọc (nghe) hết những bản báo cáo tổng kết bởi những gì được nêu là hạn chế và nguyên nhân của nó đã được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Ý kiến góp ý của đại biểu cho thấy điều đó, rằng những "hạt sạn" trong lễ hội tồn tại dai dẳng từ mùa này sang mùa khác. Bởi thế, điều cần nghe, muốn biết ở một hội nghị chuyên đề không có gì khác hơn là giải pháp cho lễ hội năm mới và những mùa hội tiếp sau có gì thiết thực, khả thi hay không? Làm sao để loại bỏ những "hạt sạn" từng "tồn tại dai dẳng"? Như báo chí đã dẫn, đáng chú ý là quan điểm loại bỏ "sạn", tức những lễ hội gây phản cảm, không có ý nghĩa giáo dục truyền thống, rồi là "giải pháp bổ trợ" có tên "chấm điểm công tác quản lý, tổ chức lễ hội", ban hành Thông tư 15/2015-BVHTTDL (có hiệu lực từ ngày 6-2-2016) "Quy định về tổ chức lễ hội".
Việc ban hành văn bản pháp quy, đề ra giải pháp để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội là điều cần có. Tuy thế, vấn đề quan trọng là làm thế nào để bảo đảm cho những quy định, giải pháp đã đề ra phát huy hiệu quả thực tế. Chẳng hạn, từ năm 2015, ngành Văn hóa thực hiện việc chấm điểm công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo các mức A, B, C, kết quả là có tới gần 2/3 số địa phương được xếp loại B, gần 1/3 xếp loại A. Vấn đề là xếp loại rồi để làm gì? Những địa phương bị xếp loại C mà lặp lại hạn chế thì năm sau phải chịu trách nhiệm gì? "Địa phương" là tỉnh, thành phố nào đó, nhưng bộ phận nào trong "địa phương" ấy phải chịu trách nhiệm?... Trước mùa lễ hội 2016, quản lý ngành và nhiều chuyên gia nêu quan điểm loại bỏ "sạn", giảm tần suất tổ chức, nhưng vấn đề là làm sao xác định đích danh lễ hội nào thuộc dạng "sạn", đâu là lễ hội "thương mại hóa", xác định được rồi thì căn cứ vào đâu để áp quyết định "loại bỏ" hoặc giảm tần suất tổ chức?
Quản lý công tác tổ chức lễ hội là một việc khó, không chỉ bởi số lượng lễ hội ở nước ta quá lớn, mà còn do ý thức hạn chế của một bộ phận người tham gia lễ hội, tổ chức lễ hội, quản lý việc tổ chức lễ hội. Lễ hội phản cảm hay không, có bị thương mại hóa hay không, có xảy ra tranh cướp, chen lấn hay không phụ thuộc vào trách nhiệm được giao của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, vào ý thức của người dự hội, vào thiện tâm của ban tổ chức. Giải pháp và quy định, bởi vậy, không chỉ là cần tăng cường việc nọ việc kia một cách chung chung, mà phải hướng vào xác định trách nhiệm của các bên và hình thức chịu trách nhiệm đối với từng việc cụ thể.