Bài 1: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 06:21, 03/01/2016

LTS: Ngày 6-1-1946 ghi dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước: Lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn những người có tài, có đức vào Quốc hội gánh vác công việc nước nhà.


Bài 1: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

70 năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào thành công của hoạt động ngoại giao, góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-2015 là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội nước ta. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua.

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra tại Hà Nội được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ảnh: Đình Nam


Mở rộng quan hệ đối ngoại

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Từ nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên đã để lại những dấu ấn sâu sắc về ngoại giao nghị viện. Ngay sau khi thành lập, Quốc hội nước ta đã cử một phái đoàn do Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Pháp để làm cho người dân Pháp hiểu rõ hơn cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Sau đó, Quốc hội cũng cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm các nước để củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước.

Những năm gần đây, công tác ngoại giao nghị viện càng có điều kiện được triển khai liên tục, tính chủ động, hiệu quả từng bước được nâng lên rõ rệt, góp phần giúp Quốc hội làm tốt nhiệm vụ hoàn thiện luật pháp Việt Nam liên quan đến công tác đối ngoại; phê chuẩn kịp thời những điều ước quốc tế mà Chính phủ đã ký kết và nâng cao chất lượng đối ngoại nghị viện cả về song phương lẫn đa phương, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của nước ta sâu rộng hơn nữa…

Quốc hội Việt Nam đã chủ động tham gia hoạt động tại các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực, các diễn đàn liên nghị viện, các tổ chức nghị sĩ hữu nghị, thực hiện những thỏa thuận hợp tác, các chuyến trao đổi đoàn giữa Việt Nam và nhiều quốc gia. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn liên minh nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Tổ chức Nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội đồng Nghị viện Châu Á (APA) và nhiều diễn đàn chuyên đề hoặc các cơ chế hợp tác liên minh nghị viện vùng như Hội nghị thường niên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam.

Cùng với việc gia nhập IPU, APA, AIPA, Quốc hội Việt Nam lần lượt tham gia nhiều cơ chế hợp tác liên nghị viện khác như: Cơ chế hợp tác liên nghị viện của Tổ chức Hợp tác kinh tế APEC; Liên minh Nghị sĩ Châu Á - Thái Bình Dương (APPU); Tổ chức Các nghị sĩ ngành Y quốc tế; Diễn đàn Nghị sĩ Châu Á về dân số và phát triển; Diễn đàn Nghị sĩ Châu Á - Thái Bình Dương về môi trường và phát triển. Năm 2002, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng của Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO) mang đậm dấu ấn Việt Nam với những đổi mới trong tổ chức sự kiện và điều hành, thể hiện rõ quyết tâm hội nhập mạnh mẽ của đất nước.

Giải pháp và hành động

Theo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp với những thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, an ninh kinh tế, an ninh mạng, vấn đề chủ quyền biển đảo... do vậy, cần đẩy mạnh các kênh đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa kênh ngoại giao song phương và đa phương trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Gần đây nhất, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 28-3 đến 1-4-2015) là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước tới nay Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, đã thu hút sự tham gia của hơn 160 đoàn khách quốc tế, bao gồm các nghị viện thành viên IPU, thành viên liên kết, các tổ chức và khách mời quốc tế.

Sự kiện đáng chú ý tại IPU lần này là: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 với số phiếu tuyệt đối. Đây là một trọng trách hết sức to lớn, nặng nề nhưng cũng rất đáng tự hào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132 đã điều hành và cùng tham gia những vấn đề mà Đại hội đồng thảo luận với lịch trình làm việc dày đặc, gồm hơn 30 phiên họp quan trọng. Trong đó, có khoảng 10 hoạt động bên lề, 20 phiên họp toàn thể đánh giá các vấn đề thời sự về quyền trẻ em; cách tiếp cận điều trị đối với HIV/AIDS, vai trò của nghị viện trong các lĩnh vực an ninh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới…

Các Ủy ban Thường trực của IPU đã thống nhất thông qua 3 nghị quyết về: "Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế"; "Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước"; "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người". Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Minh chứng rõ nhất là chúng ta đã tập hợp được hàng trăm đoàn nghị sĩ khắp các châu lục trên thế giới tới Việt Nam để bàn thảo về những vấn đề gắn liền với sự phát triển của đất nước và nhân dân Việt Nam nhưng có liên quan mật thiết tới toàn nhân loại.

Dựa trên những kết quả đạt được, Ðại hội đồng IPU-132 đã ra Tuyên bố Hà Nội - một văn kiện chính trị ngoại giao về các vấn đề lớn toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng, phản ánh cam kết và hành động của các nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu… Tuyên bố khẳng định lấy người dân làm trung tâm, thực hiện quyền con người, tôn trọng luật pháp quốc tế; thúc đẩy nghị viện các quốc gia nỗ lực hành động, thực hiện có trách nhiệm với những mục tiêu đã cam kết.

Kết thúc IPU-132, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đồng thời là Chủ tịch IPU-132. Ông Saber Chowdhury cho rằng, công tác tổ chức của nước chủ nhà đã vượt hơn cả mong đợi; kết quả đạt được của Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam đã nâng tầm giá trị của IPU, góp phần định hình xu hướng mới trong hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới, trong đó tập trung vào giải pháp và hành động hơn là chỉ dừng lại nhận định tình hình, thực sự biến lời nói thành hành động.

Hà Phong