Cơ chế điều hành tỷ giá mới: Đầu cơ, găm giữ ngoại tệ sẽ giảm mạnh
Tài chính - Ngày đăng : 08:58, 01/01/2016
-Thưa ông, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ công bố cơ chế tỷ giá mới. Vậy theo ông, cơ chế này sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong việc định hướng chính sách tỷ giá của NHNN?
-Tôi cho rằng đã đến thời điểm hội tụ đủ các điều kiện bên trong và bên ngoài để NHNN đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới: Thứ nhất là phục vụ cho tiến trình hội nhập của Việt Nam. Thứ hai là chúng ta tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế và thông qua đó tăng cường hiệu lực về chính sách tiền tệ trong việc phục vụ cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định, kiềm chế kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
-Cơ chế điều hành tỷ giá mới, tương quan giữa VND với USD sẽ được định vị như thế nào?
-Về nguyên tắc, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới, chúng ta sẽ dựa trên một số trụ cột.
Thứ nhất, cách xác định tỷ giá hối đoái, chúng ta gọi là tỷ giá hối đoái trung tâm dựa trên không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa VND và đồng USD như là một đồng ngoại tệ phổ biến hiện nay trong quan hệ thương mại, quan hệ đầu tư, tài chính của Việt Nam, mà chúng ta cũng sẽ tính toán tỷ giá trung tâm đó dựa trên mối tương quan giữa tỷ giá hối đoái giữa đồng USD với một số đồng tiền chủ chốt khác và căn cứ vào đó xác định một tỷ giá hối đoái hợp lý nhất trong mối quan hệ thương mại đa chiều của VN hiện nay chứ không chỉ là mối tương quan trực tiếp giữa VND và đồng USD như trước đây.
TS Vũ Đình Ánh (nguồn: Internet) |
Thứ hai, đó là việc chúng ta sử dụng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng thực tế giao dịch hàng ngày và theo đó chúng ta sẽ công bố tỷ giá hối đoái giao dịch trung tâm đó hàng ngày. Tôi cho rằng với cách dự định điều hành như vậy chắc chắn là sẽ linh hoạt và chủ động, đồng thời cũng phản ánh các nguyên tắc thị trường hơn so với cách điều hành tỷ giá hối đoái như trước đây mà chúng ta cũng cố định trong thời gian khá dài và tỷ giá hối đoái liên ngân hàng đó chưa phải là tỷ giá thực tế.
Thứ ba, cũng không kém phần quan trọng là việc công bố tỷ giá trung tâm cũng như cách xác định tỷ giá đó chúng ta cũng đưa thêm biện pháp, công cụ để làm sao tỷ giá trung tâm chúng ta công bố đó tạo ra hiệu lực và khả năng của chúng ta có thể can thiệp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả về chính sách tiền tệ nói chung cũng như điều hành tỷ giá hối đoái nói riêng trên thị trường tiền tệ Việt Nam, đó là chúng ta sẽ bổ sung các công cụ nghiệp vụ để làm sao tỷ giá đó kể cả các công cụ phái sinh hay là các hoạt động để chuyển hẳn quan điểm quản lý ngoại hối của Việt Nam từ quan hệ tín dụng trước đây sang quan hệ mua bán trực tiếp đồng ngoại tệ nói chung cũng như là đồng USD, theo đó sẽ giảm được mức độ đô la hóa cho nền kinh tế.
-Cách thức điều hành tỷ giá mới khác với các năm trước là chúng ta thường công bố một biên độ nhất định rồi thị trường neo vào đó và có sự kỳ vọng. Bây giờ chúng ta không điều hành như vậy nữa thì nó sẽ làm thay đổi như thế nào tới tâm lý cũng như việc găm giữ ngoại tệ hiện nay, thưa ông?
-Ở đây có hai vấn đề tôi cho rằng liên quan tới tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng như liên quan tới các trường hợp đầu cơ liên quan tới tỷ giá cũng như đầu cơ ngoại tệ trong một số thời gian gần đây kể cả ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý thì với việc điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái mới mà chúng ta có thể là sẽ công bố hàng ngày với một biên độ cho phép thì rõ ràng sẽ giảm được mức độ kỳ vọng quá mức vào việc phá giá hay nỗ lực quá mức để giữ tỷ giá hối đoái như là trong thời gian vừa qua chúng ta đã phải làm. Vấn đề thứ hai quan trọng hơn là chúng ta dựa trên nền tảng ổn định của đồng tiền Việt Nam, đồng thời tăng niềm tin trong việc sử dụng, tích trữ bằng VND thay vì ngoại tệ như trước đây, trong đó kể cả đồng USD và cùng với việc chúng ta kéo giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ bằng đồng USD về mức 0% thì có thể nói tất cả những biện pháp đó đồng hướng với việc giảm tình trạng đô la hóa cũng như giảm tâm lý và thực tế về tích trữ và găm giữ đồng ngoại tệ để làm sao chúng ta có một thị trường ngoại tệ diễn biến theo nguyên tắc của thị trường nhiều hơn và đồng thời với đó là giữ được hai nguyên tắc chủ chốt trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái là nguyên tắc chủ động và nguyên tắc linh hoạt gắn với thị trường.
-Đối với các nhu cầu về găm giữ, thậm chí là đầu cơ ngoại tệ để kỳ vọng một mức phá giá nào đó của VND thì liệu rằng với cơ chế mới, tình trạng đầu cơ ngoại tệ có khả thi không?
-Với cơ chế điều hành tỷ giá mới có thể được ban hành trong thời gian tới, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên tính chất đầu cơ sẽ thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến, cân đối trên thị trường, thay vì dự báo, tâm lý kỳ vọng vào những thay đổi trong chính sách điều hành hoặc là tỷ giá hối đoái diễn biến hàng ngày và diễn biến có lên, có xuống theo một rổ tiền tệ và do chịu tác động của rất nhiều yếu tố của thị trường bên trong cũng như bên ngoài. Do đó, đối với giới đầu cơ, việc dự báo để có thể tăng cường đầu cơ đối với ngoại tệ sẽ giảm đi rất nhiều do khả năng dự báo, dự đoán sẽ khó hơn rất nhiều. Vấn đề thứ hai để chống găm giữ và đầu cơ này tôi cho rằng rất quan trọng đi đôi với tỷ giá hối đoái là các chính sách về quản lý ngoại hối cũng như làm sao giảm thiểu vai trò, hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức-còn gọi là thị trường ngoại hối đen. Thông qua đó, để chuyển hoạt động kể cả mua bán ngoại tệ như chúng ta mong muốn vào hệ thống chính thức thì việc đầu cơ, găm giữ, sử dụng ngoại tệ một cách không hợp lý trên thị trường sẽ giảm đi rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!