Bắt đầu từ những việc nhỏ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:03, 01/01/2016
Trong xu thế mở cửa, hội nhập, một số nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội khó nhận diện hơn, nhưng trên thực tế nó vẫn duy trì và lan tỏa trong cộng đồng. Tiếp tục thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, bộ "Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP Hà Nội" do Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng soạn thảo đang khẩn trương hoàn thiện để có thể triển khai vào thực tiễn trong năm 2016.
Thiếu nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh: Linh Ngọc |
1. Nói về sự xuống cấp, mai một trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay, có lẽ cách ứng xử chưa văn minh nơi công cộng là điều dễ nhận biết nhất và cũng gây phiền toái nhiều nhất. Chỉ cần ra đường, có thể thấy không ít người tham gia giao thông cố tình lấn làn đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu... Trên vỉa hè, hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo tấm lớn, tấm nhỏ, băng rôn vi phạm tràn lan, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa ảnh hưởng tới tầm nhìn của người tham gia giao thông. "Rất nhiều lần chúng tôi tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, xử phạt nhưng vi phạm về quảng cáo trên băng rôn, biển hiệu vẫn chưa được khắc phục. Những đợt ra quân rầm rộ, quyết liệt, tình trạng vi phạm giảm đi chút ít, nhưng hễ lực lượng chức năng đi khuất, vi phạm lại tái diễn. Đối với băng rôn quảng cáo các chương trình biểu diễn nghệ thuật vi phạm, chúng tôi phải làm cái việc cực chẳng đã là phun chữ "quảng cáo vi phạm" lên băng rôn nhằm mục đích răn đe, song cũng chưa đủ sức răn đe. Điều đó phần nào cho thấy sự thiếu ý thức, trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị đối với cảnh quan chung" - ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.
Tại các bến tàu xe, nhà ga, công viên, hành lang bệnh viện và nhiều nơi khác, hình ảnh người hút thuốc lá trước tấm biển "cấm hút thuốc" không phải hiếm. Sau các ngày lễ lớn, công nhân vệ sinh môi trường thường phải làm việc gấp hai, gấp ba ngày thường, vì lượng rác thải vứt tại "hiện trường" quá nhiều. Vì lợi nhuận, một số cá nhân đã làm xấu hình ảnh văn hóa và con người Hà Nội, khi không ngần ngại "chặt chém", chèo kéo khách du lịch; rồi bán hàng ăn kèm "gia vị" là những lời nói và thái độ thiếu tôn trọng khách hàng.
Trái ngược với những hình ảnh trên, đi sâu vào đời sống của người dân Thủ đô, chúng ta vẫn gặp rất nhiều những tấm lòng nhân ái, những gia đình tam, tứ đại đồng đường sống có trước, có sau, có trên, có dưới, những gương người tốt… như gia đình cụ Vương Sỹ Đình, 82 tuổi (Tổ 6, Khu dân cư số 2, phường Nhật Tân). Mỗi ngày, các thành viên trong gia đình cụ tiết kiệm chi tiêu, dành ra 15 nghìn đồng bỏ vào quỹ "công đức, từ thiện" của gia đình để làm việc thiện nguyện.
"Con, cháu tôi hầu hết được học hành đàng hoàng, có công việc tử tế, có thu nhập ổn định, sống biết kính trên, nhường dưới, biết chia sẻ yêu thương. Đó là điều may mắn, hạnh phúc của gia đình tôi, song những tình cảm đó chỉ lan tỏa trong phạm vi gia đình thôi thì chưa đủ, mà cần phải được nhân rộng ra xã hội để chúng tôi có cơ hội cảm ơn cuộc đời" - cụ Vương Sỹ Đình chia sẻ.
Hay như bà Vũ Thị Liên, phường Thượng Ðình (quận Thanh Xuân) sôi nổi, nhiệt tình giúp đỡ chị em phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc vận động 100% hội viên thực hiện mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm", vay vốn phát triển sản xuất. Rồi những người thợ thủ công tài hoa kiên trì giữ nghề truyền thống dù nghề ấy ngày nay không mang lại giá trị kinh tế cao… Những điều giản dị, đời thường ấy cộng hưởng lại tạo thành những làng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy những cái hay, cái đẹp của văn hóa và con người Hà Nội.
Từ những ví dụ cụ thể nêu trên, có thể thấy, giá trị văn hóa và con người Hà Nội không biến mất, không xuống cấp đến mức như dư luận phản ánh. Chỉ cần biết khơi dậy và phát huy đúng hướng, những giá trị tốt đẹp ấy sẽ trở lại với cộng đồng.
2. Nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp, hạn chế những cái xấu xâm nhập, tác động vào cộng đồng, năm 2015, ngành Văn hóa Thủ đô phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng cơ bản hoàn thiện bộ "Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP Hà Nội".
Nói về bộ quy tắc này, TS. Mai Anh, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị xây dựng Dự thảo bộ Quy tắc cho biết: Trước đây, bộ Quy tắc ứng xử dự kiến được áp dụng với 6 nhóm đối tượng (cơ quan hành chính, nhà trường, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư và khu vực công cộng), nhưng trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện, Ban soạn thảo nhận thấy nhiều tiêu chí đưa ra trùng với tiêu chí xây dựng làng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị văn hóa đã được các cơ quan, các địa phương áp dụng, nên chỉ tập trung vào nhóm đối tượng tồn tại nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần ưu tiên giải quyết là địa điểm công cộng.
Với tinh thần dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, Dự thảo quy tắc đã đưa ra tiêu chí ứng xử tại các địa điểm công cộng như: Vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài; khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện; trung tâm thương mại, nhà hàng; chợ; nhà ga, bến tàu thuyền để mọi tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, bộ "Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP Hà Nội" cơ bản hoàn thiện.
Trước băn khoăn của dư luận về tính khả thi của bộ Quy tắc, ông Tô Văn Động khẳng định, văn hóa là một thiết chế mềm, không thể ứng xử, điều chỉnh bằng các giải pháp cứng nhắc, giáo điều. Thế nhưng, bộ Quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có chế tài xử phạt kèm theo mà là những tiêu chí mang tính chất chuẩn mực, nhằm hướng mọi người đến cái hay, cái đẹp. "Trong giai đoạn thí điểm, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến góp ý và sự chung tay của cả cộng đồng, cái gì hay chúng tôi sẽ nghiên cứu để nhân rộng, cái gì chưa phù hợp sẽ loại bỏ, chứ không áp dụng cứng nhắc" - ông Tô Văn Động nhấn mạnh.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, song song với việc xây dựng bộ Quy tắc ứng xử, ngành Văn hóa Thủ đô phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng còn tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; khuyến khích, tạo điều kiện để những cá nhân và tập thể điển hình có cơ hội cống hiến, nhân rộng, lan tỏa việc làm hay, lối sống đẹp ra cộng đồng. Bằng chứng là năm 2015, Hà Nội có 85% số gia đình, 55% số làng, 70% tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Qua đó có thể thấy việc xây dựng văn hóa và con người Hà Nội bắt đầu từ lời nói, hành động, việc làm nhỏ nhất hằng ngày, rồi mới đến những vấn đề to lớn hơn; cần bắt đầu từ bản thân mỗi người, rồi mới đến cộng đồng rộng lớn.