Biến lời nói thành hành động
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 01/01/2016
Củng cố sức mạnh trước thềm hội nhập
Những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế năm 2015 như GDP tăng 6,68%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2015 chỉ tăng 0,63%, các lĩnh vực xuất, nhập khẩu và bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khá so với cùng kỳ... là những tín hiệu để dự báo kinh tế vĩ mô 2016 khả quan hơn. Đặc biệt, việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng, như Liên minh Châu Âu (EU), ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia... sắp có hiệu lực đã tạo nên một không khí đầy hứng khởi với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trước thềm năm mới 2016.
Sản xuất hàng may mặc là thế mạnh của Việt Nam khi hội nhập. Ảnh: Bá Hoạt |
Thế nhưng, bên cạnh những thời cơ rộng mở, yêu cầu về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế lại được đặt ra hơn lúc nào hết, để có thể kịp thời nắm bắt thời cơ, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cả nước phấn khởi lao vào sản xuất, đầu tư mà không quan tâm đến củng cố nội lực. Hậu quả là khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Việt Nam gặp phải một loạt vấn đề trong cơ cấu quản lý. Nền kinh tế lúc đó như một "bệnh nhân ốm yếu", càng "bơm thuốc" càng thấy "bệnh" nặng thêm. Từ kinh nghiệm của năm 2007, chúng ta nên chủ động đặt vấn đề đẩy mạnh cải cách, biến lời nói thành hành động.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, dù hàng loạt văn bản luật đã được sửa đổi phù hợp với thực tế, cải thiện môi trường kinh doanh và giảm chi phí không chính thức cho DN xuống mức thấp nhất, nhưng, hiện Việt Nam đang có 5.585 điều kiện kinh doanh các loại, có thể phủ kín 900 trang giấy A4. Trong đó, có hàng nghìn điều kiện kinh doanh ban hành trái luật, ẩn núp ở thông tư, văn bản của các bộ, tỉnh, thành và những thủ tục hành chính hằng ngày. Đây chính là nguyên nhân làm tăng chi phí, kéo dài thời gian gia nhập thị trường, gây bất bình đẳng và làm thui chột sáng tạo trong kinh doanh. Vì vậy, để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu, việc cắt giảm thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường kinh doanh là yêu cầu mang tính sống còn.
Để đón đầu làn sóng hội nhập, giới chuyên gia cho rằng, việc đẩy nhanh tái cơ cấu một cách toàn diện chính là con đường tất yếu để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Vì môi trường kinh doanh ổn định
Theo bảng danh sách V1000, công bố 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) là điều rất đáng lưu tâm. Bản báo cáo này cho thấy, các DN FDI đóng góp 37% trong tổng số thuế mà V1000 nộp vào ngân sách nhà nước. Một khảo sát cũng cho thấy, đóng góp vào GDP của khu vực DN FDI đã tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên xấp xỉ 20% năm 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp của khối này cũng tăng liên tục từ năm 2005 đến nay. Năm 2014, khối DN FDI chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhận xét về sự trỗi dậy mạnh mẽ của các DN FDI, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, việc DN FDI chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp là vấn đề đặc biệt đáng lưu tâm, bởi tái cơ cấu và tăng sức cạnh tranh của khối DN nhà nước là một trong 3 trục chính của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là bước đi đầu tiên, nhưng vẫn cần thực hiện đồng bộ với những cải cách khác. Để thực hiện, cần tăng cường tương tác Chính phủ với DN, nhất là với các DN tư nhân để thực hiện hiệu quả quá trình cải cách. Bởi một môi trường kinh doanh tốt mà không cần ưu đãi chính là môi trường đầu tư ổn định, minh bạch. Phải có nền hành chính công nghiêng về phục vụ để giảm phiền hà cho cộng đồng DN.
Theo các chuyên gia, tiến trình hội nhập quốc tế đã đến..."tận cửa", nếu không thay đổi thì Việt Nam sẽ khó tận dụng được những thời cơ "vàng" do làn sóng hội nhập mang lại. Hơn lúc nào hết, cần biến lời nói thành hành động, bởi những yếu kém, thách thức với nước ta đã rõ ràng. Cải cách, minh bạch hóa môi trường kinh doanh là con đường tất yếu và duy nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, qua đó đưa nền kinh tế phát triển bền vững và đủ sức mạnh để vươn ra "biển lớn".