Nhiều thời cơ và thách thức mới
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 01/01/2016
Nông thôn khởi sắc
Đến huyện Gia Lâm vào ngày cuối cùng năm cũ, từ trên đê tả Hồng phóng tầm mắt, đã thấy một vùng nông thôn giàu có và trù phú với những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng được bê tông kiên cố. Những cánh đồng bãi ven Sông Hồng trước đây trồng rau, đậu, nay đã chuyển thành những vùng trồng cây ăn quả bốn mùa tươi tốt. Tại xã Bát Tràng, địa phương vừa đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM của thành phố, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn May cho biết: Bát Tràng không còn ruộng, 100% hộ gia đình tham gia sản xuất và kinh doanh gốm. Nhờ nghề truyền thống mà mỗi năm, doanh thu của xã đạt khoảng 500 tỷ đồng. Xã không còn người thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%...
Xã nông thôn mới Nhị Khê, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt |
Bát Tràng là một trong số rất nhiều địa phương đạt kết quả cao trong chương trình xây dựng NTM của Hà Nội. Đến hết năm 2015, toàn thành phố đã có 201 xã, 1 huyện là Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn NTM. Các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì đang đề nghị Chính phủ xem xét công nhận đạt huyện NTM. Tính bình quân, các xã của Hà Nội đã đạt trên 17/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Kết quả này đã đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng NTM. Báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 02 Thành ủy cho thấy, với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư, đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn không ngừng được hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu Chương trình 02 đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt cao như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 95%; hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%; tổ chức thu gom rác thải đạt 98%; tỷ lệ thôn có điện đạt 100%; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,2%, trong đó có 36,68% dân số được sử dụng nước sạch… Kết quả xây dựng NTM ở các địa phương đã góp phần giảm khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Kết quả đạt được là rất đáng mừng, tạo phấn khởi, tự hào trước thềm năm mới và là tiền đề quan trọng để Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy vậy, Hà Nội chưa bằng lòng với những gì đã có. BCĐ Chương trình 02 thành phố xác định, nông thôn Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn, bởi số xã hoàn thành NTM ở các huyện vẫn chưa đồng đều. Trong khi một số huyện như Hoài Đức, Thanh Trì, Phúc Thọ… đã hoàn thành vượt chỉ tiêu phấn đấu, thì một số huyện kết quả còn thấp như: Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM còn hạn hẹp, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước; công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng; việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho NTM chưa nhiều... Trình độ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực còn lạc hậu, chưa phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của các địa phương ở khu vực nông thôn...
Tháo gỡ khó khăn, một trong những nhiệm vụ được BCĐ Chương trình 02 đề ra cho thời gian tới đó là các sở, ngành và địa phương tiếp tục tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, phù hợp từng địa phương. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bảo đảm tính liên kết vùng, thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và các quy hoạch chuyên ngành khác.
Mặt khác, thành phố tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao và củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã trong tình hình mới. Hà Nội là Thủ đô, phải tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của cơ quan nghiên cứu khoa học, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện đổi mới công nghệ sản xuất trong các làng nghề để tăng năng suất và nâng cao giá trị sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 toàn thành phố có 1.600 làng có nghề, trong đó có 650 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho biết, đối với xây dựng cơ bản phục vụ xây dựng NTM, thành phố ưu tiên các công trình: Giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật dùng chung vùng sản xuất nông sản hàng hóa; các công trình nước sạch, thoát nước, bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải; thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn. Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề dân sinh bức xúc ở cơ sở. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, xây dựng trường học, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, các thiết chế văn hóa phù hợp với từng địa bàn. Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kiến trúc tiêu biểu các vùng miền khu vực; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống… Thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân kỹ thuật sản xuất chuyên canh, thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp... Tất cả nhằm phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người của nông dân Thủ đô, đến năm 2020 đạt 40-45 triệu đồng/người/năm.