Xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi: Địa phương thiếu quyết liệt
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 30/12/2015
Ngổn ngang vi phạm
Kết quả rà soát của Sở NN&PTNT cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2015, trên địa bàn thành phố còn tồn đọng gần 1.700 vụ vi phạm pháp luật đê điều với các vi phạm chủ yếu như: Xây nhà kiên cố, làm lều lán, trồng cây trên mái đê; xe quá tải trọng chạy trên đê; hoạt động của các bãi chứa vật liệu xây dựng trên cơ đê và hành lang thoát lũ... Tương tự, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL) cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 15.300 vụ vi phạm, nhưng mới giải tỏa được 1.660 vụ, còn tồn đọng khoảng 13.640 vụ. Trong đó, hệ thống CTTL do Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ quản lý để xảy ra nhiều vi phạm nhất với gần 8.100 vụ, tập trung chủ yếu ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa...
Đổ phế thải trên đê hữu Hồng tại huyện Ba Vì. |
Còn trên hệ thống CTTL Sông Đáy, tồn đọng hơn 4.000 vụ. Theo ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Đáy, tất cả các trường hợp vi phạm trên đều được công ty lập biên bản gửi cho chính quyền địa phương xử lý. Thế nhưng kết quả đạt được rất thấp, thậm chí chính quyền cơ sở biết sai phạm vẫn không xử lý, giải tỏa, coi đó là trách nhiệm của doanh nghiệp thủy lợi, dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng nhiều. Cụ thể, trên địa bàn huyện Chương Mỹ tồn đọng hơn 1.400 vụ, huyện Thanh Oai là 812 vụ, Hoài Đức 457 vụ, Mỹ Đức 270 vụ... Ông Kính lo lắng: "Với thực trạng vi phạm CTTL phức tạp như hiện nay, nếu chính quyền địa phương không xử lý quyết liệt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước trong mùa mưa bão". Tương tự, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã như: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Gia Lâm, Tây Hồ, Hoàng Mai... cũng ngổn ngang vi phạm.
Vì sao kết quả xử lý thấp?
Căn cứ Quyết định 4862 của UBND thành phố, các địa phương có hệ thống đê điều và CTTL phải thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra, rà soát và tiến hành xử lý, giải tỏa vi phạm xong trước ngày 31-12-2015. Thế nhưng, qua kiểm tra, nhiều địa phương mới chỉ có động thái thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản theo yêu cầu của UBND thành phố, còn việc tiến hành xử lý, cưỡng chế giải tỏa vi phạm vẫn chưa triển khai.
Cụ thể, tại Thạch Thất, mới ban hành các văn bản như: Quyết định 6461 ngày 2-10-2015; Kế hoạch 223 ngày 9-12-2015... và tổ chức nhiều hội nghị triển khai kế hoạch cho các xã, thị trấn. Đến ngày 11-12, đoàn liên ngành của thành phố về làm việc, huyện Thạch Thất vẫn chưa rà soát được số vụ vi phạm đê điều, CTTL còn tồn đọng trên địa bàn nên không biết đến bao giờ mới triển khai giải tỏa? Tương tự, tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây, Phú Xuyên, Thường Tín... cũng chưa có kết quả xử lý, giải tỏa vi phạm mà đều kêu "khó" xử lý do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho rằng: Để xảy ra nhiều vi phạm trên hệ thống đê điều và CTTL trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý. Hơn nữa, phần lớn vi phạm tồn đọng trên địa bàn Ba Vì thiếu hồ sơ quản lý, hết hiệu lực thi hành nên không đủ căn cứ để tiến hành xử lý, giải tỏa vi phạm. Ở khía cạnh khác, tồn đọng vi phạm là do lịch sử để lại nên đã gây khó khăn cho công tác xử lý. Cụ thể như trên địa bàn huyện Phúc Thọ từ năm 2010 đến nay, còn tồn đọng 74 vụ vi phạm đê điều, 129 vụ vi phạm CTTL. Phần lớn các vi phạm này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số CTTL chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ và thiếu hồ sơ gốc quản lý...
Trước thực trạng này, lãnh đạo huyện Phúc Thọ đề nghị thành phố cho giãn tiến độ xử lý để huyện kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ vi phạm; đồng thời, cho phép khoanh vùng những trường hợp vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xử lý sau. Với những trường hợp đã xử lý, giải tỏa, thành phố hỗ trợ kinh phí làm đường gom dân sinh và chống tái lấn chiếm.
Theo ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, từ nhiều năm nay việc phối hợp xử lý vi phạm đê điều và CTTL giữa các cấp, các ngành và địa phương thiếu chặt chẽ. Thậm chí, một số địa phương ngại va chạm, tư duy nhiệm kỳ... dẫn đến kết quả xử lý vi phạm đạt thấp.
Còn bà Đinh Thị Na, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp khẳng định: Để tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý, trách nhiệm chính thuộc chính quyền địa phương. Bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực năm 2012 và Nghị định 139 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013 quy định rõ người được phép lập biên bản vi phạm và trách nhiệm xử phạt vi phạm của chính quyền các cấp trong lĩnh vực đê điều và thủy lợi. Các địa phương không thể cứ đùn đẩy, né tránh hay viện lý do thiếu căn cứ pháp luật để thoái thác trách nhiệm.