Chỉ rõ hạn chế, yếu kém để khắc phục hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 29/12/2015
Dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, thảo luận hai báo cáo chính được trình bày tại hội nghị là Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Đặc biệt, các địa phương tập trung làm rõ, đánh giá được những mặt tích cực, kết quả đạt được, chỉ rõ những mặt hạn chế, những yếu kém còn tồn tại, nhất là nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu khi các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực trong thời gian tới. |
Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày nêu rõ, lạm phát đã được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng thấp nhất kể từ năm 2001 (0,63%). Đặc biệt, tăng trưởng GDP ước đạt 6,68% - mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Cả nước có hơn 94.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn hơn 600.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%, hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Các lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực...
Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, yếu kém như một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị do thời tiết kém thuận lợi, nhu cầu và giá giảm. Xuất khẩu của doanh nghiệp nhà nước giảm (giảm 3,5% so với năm 2014), nhập siêu lại tăng cao (20,23 tỷ USD). Một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ còn chậm, chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính... Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ngoài ngành vẫn chậm, chỉ đạt gần 90% kế hoạch…
Hoàn thiện cơ chế chính sách, sẵn sàng hội nhập
Đồng tình với 9 nhóm giải pháp trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đề ra, các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất thêm giải pháp. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, khả năng phục hồi kinh tế khả quan, vì thế năm 2016 Chính phủ nên đề ra mục tiêu tăng trưởng 7%. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền về Hiệp định Thương mại tự do đồng bộ, kịp thời ban hành chính sách để tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp... Đặc biệt, Chính phủ cần nghiên cứu đẩy nhanh việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trong nước trước áp lực hàng ngoại nhập...
Về lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nhiệm vụ đặt ra là xác định những mặt hàng mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh cao để ưu tiên đầu tư sản xuất, xuất khẩu. Các địa phương tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, không chỉ đầu tư nâng cấp hạ tầng mà còn chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nghiêm túc loại trừ việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2016. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, năm 2016, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, khu vực có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước. Để nắm được cơ hội, yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa phải được tăng cường. Nếu sản phẩm có lợi thế của Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn kỹ thuật và bị trả về, không những không khai thác được các ưu đãi do Hiệp định FTA mang lại, mà còn ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016 Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%... |