Xử lý nghiêm để làm gương
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 29/12/2015
Vụ việc bắt đầu từ ngày 24-12, sau một thời gian mật phục, lực lượng chức năng đã phát hiện 6 cột bơm tại hai cây xăng ở số 436 Trần Khát Chân và xã Yên Viên được gắn chíp để gian lận. Cụ thể, tại cây xăng ở 436 Trần Khát Chân, thời điểm kiểm tra, một khách hàng bơm 20 lít xăng nhưng kiểm tra bằng bình tiêu chuẩn chỉ đạt 19 lít. Tại mỗi cây xăng có 3 cột bơm và các cột bơm này đều bị gắn chíp cùng bảng mạch điện tử, được nhân viên dùng điều khiển từ xa để làm thay đổi bộ đếm cột bơm. Khi lực lượng chức năng tháo chíp điện tử, toàn bộ các cột bơm không hoạt động. Vi phạm tương tự được xác định tại cây xăng Yên Viên. Riêng cây xăng 436 Trần Khát Chân, theo cơ quan chức năng, đây không phải lần đầu tiên vi phạm bị phát hiện…
Như vậy, với phán quyết mới nhất của các cơ quan chức năng, vụ việc đã không "chìm xuồng" như lo ngại của nhiều người tiêu dùng vốn đã quá quen với "điệp khúc" phát hiện vi phạm - xử phạt vi phạm hành chính - tái phạm, điển hình ở đây là tại cây xăng 436 Trần Khát Chân. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với hành vi móc túi người tiêu dùng với thủ đoạn tinh vi đang ngày càng nở rộ.
Điều đáng chú ý là thời gian vừa qua, các ngành chức năng đã liên tiếp phát hiện hàng loạt cây xăng trên địa bàn cả nước có hành vi gian lận, lừa dối khách hàng. Con số thống kê trong ba quý năm 2015 là có đến 280 cửa hàng xăng dầu bị phát hiện vi phạm trong đo lường. Trong đó, có đến 50% cây xăng gắn chíp điện tử để làm sai lệch số đo nhằm móc túi người tiêu dùng. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, trong năm qua đã có 61 cây xăng bị phát hiện gắn chíp, bị phạt tới 6,4 tỷ đồng. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra những cây xăng gian lận kiểu công nghệ cao này gặp nhiều khó khăn vì chỉ cần một nút bấm, thao tác nhẹ ở công tắc nguồn là có thể chuyển từ chương trình sai sang chương trình đúng, xóa hết mọi dấu vết, qua mắt dễ dàng lực lượng kiểm tra. Vì thế, lực lượng chức năng phải đóng giả người mua xăng để tiếp cận mục tiêu, bất ngờ nhanh chóng để vô hiệu hóa các thao tác trong chớp mắt của các nhân viên cây xăng thì mới có thể bóc gỡ hành vi gian lận.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với mọi gia đình. Từ lâu trong xã hội vẫn truyền tay nhau danh sách những cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu gian lận để tránh xa và người tiêu dùng cũng chỉ biết làm vậy khi quyền năng kiểm tra, kiểm soát không có trong tay. Thực tế cho thấy, hành vi gian lận xăng dầu bằng việc gắn chíp vào bảng điều khiển đã được Thanh tra Khoa học - Công nghệ chỉ ra từ năm 2008 nhưng đến nay những biện pháp xử lý dường như vẫn chỉ là "phần ngọn". Rất hiếm vụ việc bị xử lý hình sự, để rồi không ít những cơ sở vi phạm vì món lợi lớn đã tái phạm, tiếp tục "ăn bẩn" trên lưng người tiêu dùng. Những kẻ sản xuất con chíp gian lận để bán cho các cây xăng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật trong khi việc sử dụng thiết bị này đã trở nên phổ biến… Do đó, việc các cơ quan chức năng của TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án lừa dối khách hàng tại hai cây xăng thuộc quyền quản lý của HFC, góp phần lập lại trật tự trong một thị trường vốn đầy rẫy những dị nghị như xăng dầu, trả lại niềm tin của người tiêu dùng là cần thiết.