Thủ tướng: Tăng trưởng năm 2016 mức 6,7% có “nhẹ” quá không?

Kinh tế - Ngày đăng : 19:24, 28/12/2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng băn khoăn, năm 2015 đã tăng gần 6,7% rồi mà lại đặt ra mục tiêu năm 2016 tăng 6,7% nữa thì có nhẹ nhàng quá không?


Điều hành phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, sau khi nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về kinh tế-xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu các nội dung Hội nghị sẽ tập trung thảo luận.

Theo đó, về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng lưu ý: “Nếu năm 2015 đã tăng gần 6,7% rồi mà lại đặt ra mục tiêu 6,7% nữa thì có nhẹ nhàng quá không? Chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu qua kết quả đạt được, từ đó mới tính toán, nhiệm vụ giải pháp thực hiện”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc



Là người đầu tiên được Thủ tướng chỉ định phát biểu, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, chúng ta có thể đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 là 7%.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, năm 2016, giá dịch vụ y tế tăng ít nhiều tác động đến khu vực kinh tế nông nghiệp; kinh tế thế giới được dự báo còn tiếp tục khó khăn, do vậy, tăng trưởng chỉ mức 6,7%. Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, tăng trưởng 2016 ở mức 6,7-6,8% là hợp lý.

Tại hội nghị, đa phần các ý kiến phát biểu của các địa phương đều trình bày khó khăn với Thủ tướng, đưa ra các danh mục công trình, dự án cần tiền đầu tư, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án...

Theo dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 21%; số giường bệnh trên một vạn dân là 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 41%./.

Theo VGP