Bản jazz của nghệ thuật đương đại
Văn hóa - Ngày đăng : 06:39, 28/12/2015
Mark Cooper là một nghệ sĩ độc lập với những ý tưởng sáng tạo độc đáo, đa dạng trong cả việc sử dụng chất liệu đến các kỹ thuật và loại hình. Lâu nay, ông được biết đến với những tác phẩm cộng đồng có sự kết hợp, tương tác mạnh mẽ, với nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên, đến bệnh nhân, kỹ sư, nghệ nhân… Đi đến bất cứ đâu, Mark Cooper cũng muốn hợp tác với cộng đồng nơi đó. Nhiều tác phẩm của ông đã được triển lãm tại Bảo tàng Harvard, Bảo tàng Nghệ thuật Boston, Học viện Nghệ thuật đương đại Boston…
Trong hành trình hợp tác sáng tạo với nghệ sĩ trên thế giới của chuỗi nghệ thuật mang tên "Yu Yu", Mark Cooper đến Việt Nam cùng với David Thomas (Giám đốc Chương trình trao đổi nghệ thuật Đông Dương). Ông đã gặp nhiều nghệ sĩ tại Hà Nội, cảm nhận sự đồng điệu cũng như khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật. Cộng với lời đề nghị thực hiện một chương trình giao lưu nghệ thuật Việt - Mỹ nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Mark Cooper quyết định đây là điểm dừng chân tiếp theo.
Lấy cái tên "Yu Yu Việt Nam xanh" với ấn tượng về màu sắc trong nghệ thuật gốm ở Việt Nam, Mark Cooper bắt đầu sự kết hợp theo cách độc đáo, mới mẻ với hầu hết các nghệ sĩ tham gia. Ông mời các cá nhân sáng tạo đến từ nhiều lĩnh vực: Kim Duy (thị giác và ý niệm), Lại Diệu Hà (thị giác, trình diễn, ý niệm), Chu Quỳnh (đồ họa, thiết kế), Vũ Thảo (thời trang), Thùy Trang (thị giác), Trần Thị Thu (thị giác), Lê Thúy (họa sĩ), Lương Văn Việt (nhà điêu khắc), Vũ Đức Hiếu (gốm), Trịnh Vũ Hiếu (gốm), Nguyễn Văn Hải (nghệ nhân đúc đồng), Nguyễn Thế Dụ (nghệ nhân thêu), Nguyễn Đăng Hoàng (nghệ nhân diều)… Ông đưa ra một vài gợi ý về tác phẩm kết hợp, như một vài mảnh gốm, bức tranh trừu tượng, mẫu thảm… rồi khuyến khích nghệ sĩ độc lập sáng tạo. Những sáng tạo ấy phải có khả năng "đối thoại" với những gì ông đưa ra, hoặc về ý tưởng, hoặc về thị giác, hoặc ngôn ngữ tạo hình, hay tương tác trong không gian trưng bày.
Theo Mark Cooper, chính sự "đối thoại", tương tác mới là mạch nối để tạo ra một tác phẩm bất ngờ trong triển lãm. Như nghệ sĩ Lương Văn Việt tạo ra phần điêu khắc từ bộ giá mà Mark Cooper đưa ra; nghệ sĩ Kim Duy lại có những sắp đặt bằng kem bày trên giá đó, khi tan chảy có hình thù tương đồng với bình gốm. Trong khi đó, nghệ sĩ Vũ Thảo có sáng tác độc lập hoàn toàn là bộ trang phục làm bằng chất liệu chăn của người Tày từ ý tưởng về sự tôn nhau lên của nghệ sĩ Mỹ này. Họa sĩ Lê Thúy thêu lên một bức tranh thể hiện những chuyển động và kết nối… Các nghệ nhân Văn Hải và Thế Dụ đều bày tỏ rằng, trước nay thường phải làm theo mẫu, nên cảm giác được sáng tạo, thêm bớt từ ý tưởng của ông bỗng thấy mình bay bổng, được phát huy tính nghệ sĩ hơn.
Nhưng 6 tháng qua mới chỉ là quá trình hợp tác và làm việc của các nghệ sĩ. "Yu Yu Việt Nam xanh" là tác phẩm như thế nào, chính các nghệ sĩ cũng chưa hình dung được. Bởi vậy, nghệ sĩ Vũ Huy Thông - một thành viên tổ chức dự án hợp tác này, nhận định: "Đây là triển lãm thú vị và đầy hồi hộp. Nó giống như một bản nhạc jazz mà Mark Cooper đưa ra một vài hòa âm chủ đạo, để các nghệ sĩ ngẫu hứng sáng tạo. Nó có thể bùng nổ, có thể êm dịu hay tĩnh lặng, nhưng chắc chắn sẽ đa diện, thức thời với công chúng".
Đó cũng là mục đích của dự án hợp tác này, như Mark Cooper tâm sự: "Tôi không quan trọng tác phẩm này có bán được không, được ai hay tổ chức nào mang về trưng bày tiếp. Tôi thấy rằng nó đã thành công khi nghệ sĩ được làm việc, phát huy ý tưởng sáng tạo không giới hạn của mình, thấu hiểu, chia sẻ và từ đó tái tạo những tư duy nghệ thuật mới. Còn công chúng thì được trải nghiệm một tác phẩm nghệ thuật có nhiều góc nhìn, đưa đến suy nghĩ mới về cuộc sống đương đại".