Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh
Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 28/12/2015
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra thực phẩm tại các siêu thị. Ảnh: Tuấn Vũ |
Đối mặt với muôn vàn khó khăn
Tại buổi gặp gỡ báo chí chia sẻ thông tin về công tác kiểm tra ATVSTP trong dịp Tết diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, trong khi số cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm ngày càng gia tăng thì số vụ vi phạm trong lĩnh vực ATTP cũng diễn ra ngày càng tinh vi.
Theo thống kê năm 2015, Cục ATTP đã xử lý 251 cơ sở vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt hơn 4,5 tỷ đồng, thu hồi 74 giấy xác nhận công bố, 8 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 2 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tạm dừng lưu thông 66 lô sản phẩm, thu hồi và tiêu hủy 230kg sản phẩm vi phạm chất lượng.
Đặc biệt, trong khoảng gần một tháng trở lại đây, dù mới bắt đầu rục rịch bước vào mùa thực phẩm Tết nhưng ngay trên địa bàn Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm "bẩn" với số lượng rất lớn. Từ vụ bán hàng tấn thịt lợn ốm chết ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), lò sản xuất hàng vạn chai rượu giá rẻ ở Ba La (quận Hà Đông), lò sản xuất mỡ bẩn ở Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đến vụ bắt giữ hơn 4 tấn ruốc gà trộn bột mì không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng…
Dù công tác bảo đảm ATVSTP năm 2015 đã đạt được nhiều tiến bộ, góp phần làm giảm số vụ ngộ độc thực phẩm, số mắc và số ca tử vong nhưng ông Nguyễn Thanh Phong vẫn thẳng thắn thừa nhận, công tác bảo đảm ATVSTP đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Kinh phí từ ngân sách dành cho các hoạt động bảo đảm ATTP còn hạn chế. Cụ thể, năm 2016, ngân sách nhà nước chi hơn 100 tỷ đồng cho công tác quản lý ATTP các cấp. Như vậy, với hơn 90 triệu dân, trung bình mỗi người Việt Nam được chi hơn 1.000 đồng/năm cho hoạt động này.
Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới, con số này lên tới 100.000 đồng/người/năm. "Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong điều tra, theo dõi, nắm tình hình đến tổ chức thanh tra kiểm tra thì thực phẩm "bẩn" càng có nguy cơ tuồn ra thị trường, đe dọa sức khỏe và tính mạng hàng triệu người tiêu dùng. Chính vì vậy, để ngăn thực phẩm "bẩn" trong dịp Tết sắp tới thì công tác thanh tra - kiểm tra phải được đẩy mạnh", ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức của người dân
Ban Chỉ đạo ATVSTP trung ương vừa ban hành quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến trung ương và sẽ ra quân thanh tra - kiểm tra ATTP tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước ngay từ cuối tháng 12 này. Không chỉ vào dịp tết Nguyên đán tới đây mà trong năm 2016, Cục ATTP xác định tập trung cho công tác thanh tra - kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng.
Mới đây, Chính phủ đã cho phép Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại một số quận, huyện, xã, phường và lực lượng này bắt đầu ra quân kiểm tra thực phẩm Tết ngay trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Phong nhận định: Khi có thêm lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại cơ sở, công tác quản lý các đơn vị kinh doanh thực phẩm sẽ hiệu quả hơn, bởi đa số cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ta có quy mô nhỏ lẻ nên chỉ có lực lượng thanh tra ATTP tuyến xã, phường mới nắm rõ tình hình. Bộ Y tế, Cục ATTP sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về chuyên môn, nhân lực để Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai có hiệu quả việc thí điểm thanh tra ATTP cấp cơ sở.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng về ATTP thì một vấn đề không kém phần quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Ý thức của người tiêu dùng giờ không chỉ dừng lại ở việc biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, mà còn "dám" tẩy chay thực phẩm "bẩn", cương quyết tố giác cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có sai phạm.
Ông Nguyễn Hùng Long đã khuyến cáo người tiêu dùng, là khi phát hiện thực phẩm bất thường thì phải lập tức ngừng sử dụng và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý. Về phía cơ quan quản lý, khi có các vấn đề phát sinh hoặc thông tin liên quan đến thực phẩm mất an toàn thì phải đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sau đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp có sai phạm thì cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Nguy cơ ngộ độc rượu gia tăng Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long cho biết, nội dung công tác thanh tra - kiểm tra ATVSTP dịp Tết của các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương sẽ tập trung vào mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều như bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát, thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả. |