Rất cần đổi mới phương thức lãnh đạo ở chi bộ

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:11, 28/12/2015

(HNM) - Đề cập tới việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chúng ta thường nghĩ là dành cho cấp cao mà không nghĩ rằng cũng rất cần thiết ngay từ ở cấp chi bộ.

Kế thừa truyền thống của Đảng, những năm qua các chi bộ tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của mình, đóng góp thiết thực vào các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Nhiều chi bộ tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, có nhiều sáng kiến, sáng tạo nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, phấn đấu trong đảng viên và nhân dân. Thành công ấn tượng của phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới có một phần đóng góp quan trọng của các chi bộ ở cơ sở. Đó là những chi bộ ra nghị quyết hằng tháng kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng đường giao thông nông thôn, động viên các gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Trong đó xác định rõ mỗi đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Ngay công tác giải phóng mặt bằng thu hồi đất là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng ở nhiều nơi, nhờ sự chủ động của chi bộ thôn, tổ dân phố mà không phải cưỡng chế bàn giao mặt bằng. Thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng có rất nhiều chi bộ "dám nghĩ, dám làm", sáng tạo ra những mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những chi bộ chưa đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạt động cầm chừng, cán bộ cấp ủy thậm chí lười nghĩ, ngại làm. Đó là những chi bộ thấy việc cơ quan, địa phương khó khăn nhưng vẫn thờ ơ phó mặc cho cấp trên, không thấy hết trách nhiệm của mình trong đó. Ở đó, có những cán bộ cấp ủy cứ nghĩ rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo là dành cho cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nhất là cấp trung ương, chứ không phải là việc của mình.

Đó là tư duy hết sức sai lầm, vì đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần phải bắt đầu từ các chi bộ. Bởi chi bộ là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là "tế bào" của Đảng. Một khi ở cấp "tế bào" đổi mới, hiệu quả thì chắc chắn, "cơ thể" của Đảng sẽ ngày càng khỏe mạnh, nếu không sẽ ngược lại. Để tạo chuyển biến ở từng "tế bào" thì bên cạnh sự chủ động của các cấp ủy chi bộ, rất cần vai trò hướng dẫn, động viên, nhân rộng mô hình hiệu quả của các cấp ủy cấp trên.

Hiền Lương