Nguyễn Huy Tưởng - Một thời và mãi mãi

Xã hội - Ngày đăng : 08:46, 07/10/2004

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6-5-1912 trong một gia đình nhà nho ở làng Dục Tú, nay thuộc Đông Anh. Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng, năm 1935 làm thư ký nhà Đoan (thuế quan) ở Hải Phòng rồi ra Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng say mê văn chương từ ngày đi học.

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6-5-1912 trong một gia đình nhà nho ở làng Dục Tú, nay thuộc Đông Anh. Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng, năm 1935 làm thư ký nhà Đoan (thuế quan) ở Hải Phòng rồi ra Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng say mê văn chương từ ngày đi học. Vào những năm 40 của thế kỷ XX ông in những sáng tác đầu tay, chủ yếu khai thác đề tài lịch sử: Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), Vũ Như Tô (kịch, 1943), Cột đồng Mã Viện (kịch, 1944), An Tư công chúa (tiểu thuyết, 1944)...

Vừa viết văn, Nguyễn Huy Tưởng vừa tham gia các hoạt động Hướng đạo, Truyền bá Quốc ngữ, năm 1943 ông gia nhập tổ chức Văn hóa cứu quốc. Tháng 8-1945 ông được cử đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc. Tháng 4-1946 vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng được công diễn ở Nhà hát lớn đem lại thành công cho nền kịch cách mạng non trẻ.

Kháng chiến toàn quốc, sau 60 ngày đêm khói lửa, Nguyễn Huy Tưởng lên Việt Bắc tiếp tục sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1948 có kịch Những người ở lại;năm 1951 có Ký sự Cao Lạng (giải thưởng văn nghệ 1951-1952); Truyện anh Lục (giải nhì Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955). Sau Hòa bình, trở lại Điện Biên, ông có tiểu thuyết Bốn năm sau. Nguyễn Huy Tưởng dành tâm huyết viết về Hà Nội kháng chiến, một đề tài mà nhà văn hằng ấp ủ từ lâu. Ông viết truyện phim Lũy hoa và tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô, cả hai tác phẩm in năm 1961,khi nhà văn đã qua đời. Với những tác phẩm có giá trị viết cho thiếu nhi, ông là người sáng lập, giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng.

Nguyễn Huy Tưởng sinh ra ở Hà Nội, có tác phẩm đặc sắc viết về Hà Nội. Năm 1995, HĐND thành phố đặt tên đoạn đường dài 900m từ ngã ba đường Vũ Trọng Phụng song song với đường Nguyễn Tuân là đường Nguyễn Huy Tưởng.

Mấy chục năm qua, tiểu thuyết, kịch lịch sử, truyện thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng đã được tái bản nhiều lần. Năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1. Năm2003, đúng 60 năm sau ngày xuất bản, vở kịch Vũ Như Tôđã được Nhà hát kịch Việt Nam trình diễn và truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Lớn.

Vào những ngày này, Hà Nội diễn ra các hoạt động sôi nổi chào mừng 50 năm Giải phóng Thủ đô. NXB Văn học in Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng.NXB Hội Nhà văn có Sống mãi với Thủ đô.Nhằm tìm hiểu những vẻ đẹp đời thường tạo nên nhân cách nhà văn, NXB Thanh niên in Nguyễn Huy Tưởng - một thời và mãi mãido Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn - sưu tầm và biên soạn. Sách 330 trang khổ 14,5x20,5 cm đóng bìa cứng, chữ bìa mạ vàng, có bìa phụ in ký họa chân dung Nguyễn Huy Tưởng của Văn Cao.

Sau Lời giới thiệu của Viện trưởng Viện Văn học Phan Trọng Thưởng, sách giới thiệu di cảo của nhà văn: Cái đời tôi, ông viết năm 18 tuổi kể về gia đình, nếp sinh hoạt và những kỷ niệm tuổi thơ ở làng Dục Tú quê hương; bài thơ tự sự Mười bảy tuổi và ký sự Cuộc hôn nhân của tôi. Tiếp đó, sách in 6 hồi ức của người thân, 22 hồi ức của bè bạn, 6 bức thư của Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn, 35 bức thư của các bạn văn nghệ gửi ông. Cuốn sách in “Bút tích và ảnh trong sưu tập của gia đình nhà văn”.

Nguyễn Huy Tưởng - một thời và mãi mãi có nhiều tư liệu, những bài viết xúc động: Nhà tôi - kỷ niệm một thời và mãi mãicủa bà Trịnh Thị Uyên (vợ nhà văn), Về với chúng con bố nhécủa Nguyễn Thị Thục (con gái nhà văn), Cha tôi - hình ảnh dệt từ trí tưởngcủa Nguyễn Huy Thắng... Qua lá thư gửi nhà văn Siêu Hải, ta biết Nguyễn Huy Tưởng dự định viết Sống mãi với thủ đôtừ năm 1956. Nhưng lần lữa mãi, sau khi đi thực tế ở Điện Biên trở về, ông mới có thời gian thực hiện. Ông viết bộ tiểu thuyết đồ sộ này “ở cái góc phòng bé nhỏ được chiếu sáng yếu ớt bởi một ngọn đèn 40W cho đỡ tốn điện. Khẩu phần tẩm bổ cho ông là cốc sữa đậu nành hay một hai quả chuối. Cái phòng ấy mùa đông thì lạnh buốt vì không được che chắn, mùa hè thì hầm hập nóng vì chật chội. Thương nhất là những đêm hè ông ấy ngồi viết mà mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, trên người. Những lúc không nghĩ ra văn, nhà tôi lại ngồi thừ ra khổ sở...(trích hồi ức của bà Trịnh Thị Uyên).

“Thông qua hồi ức, hồi ký, các thư từ, bút tích của chính tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng như của người thân, bạn bè gửi cho ông, viết về ông, chúng ta có thêm những chi tiết đời thường mà giá trị của nó trong nhiều trường hợp trở thành những cứ liệu khoa học giúp cho việc tiếp cận ngày càng chính xác hơn, sâu sắc hơn toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông (...). Qua đây, chúng ta dễ dàng nhận thức ra một điều, mới nghe có vẻ giản dị nhưng không phải khi nào cũng nhận biết được rằng: Đối với một nhà văn lớn, tầm vóc của họ được thể hiện ngay cả những chi tiết đời thường”.

HNM

ANHTHU