Thách thức nan giải của Trung Quốc
Thế giới - Ngày đăng : 06:43, 27/12/2015
Theo Trung tâm Giám sát môi trường TP Bắc Kinh (BMEMC), thủ đô Bắc Kinh vào chiều 22-12 bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng với mức độ ô nhiễm ước tính lên tới cấp độ 6 trong hệ thống đo mức độ ô nhiễm gồm 6 thang tại các khu vực phía Nam thành phố. Tình trạng ô nhiễm nặng nề đó không chỉ xảy ra ở thủ đô của Trung Quốc mà lan tràn rất nhanh sang các thành phố khác rải rác trên đất nước đông dân nhất thế giới này. Tính đến ngày 23-12, khoảng 50 thành phố ở miền Bắc và Đông Trung Quốc đã ban bố báo động các mức khác nhau về ô nhiễm không khí trong đợt khói mù xảy ra gần đây.
Trước tình trạng này, chính quyền Bắc Kinh chỉ mới đưa ra được một số biện pháp chống đỡ tạm thời và cấp bách. Chẳng hạn, ba ngày sau khi ban hành lệnh báo động đỏ lần thứ hai, họ ra thông báo tạm ngưng hoặc giảm bớt hoạt động ở 2.100 nhà máy lớn nhỏ để giảm bớt làn khói mù dày đặc đang bao phủ TP Bắc Kinh. Tất cả các công trường xây dựng sẽ phải ngừng hoạt động, người dân được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và dự kiến nhiều trường học phải tạm đóng cửa. Ngoài ra, trong thời gian báo động đỏ có hiệu lực, chính quyền TP Bắc Kinh hạn chế phân nửa số xe hơi lưu thông trên đường, quy định luân phiên lưu thông các xe mang biển số chẵn và mang biển số lẻ (ngoại trừ xe buýt, tắc xi, xe chạy bằng điện, xe cứu thương…), đồng thời tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã nêu đích danh hai "thủ phạm" dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí là xe hơi và than đá. Ngoài lượng khói bụi thải ra từ các nhà máy công nghiệp, một phần là do các địa phương đã đốt nhiều than đá để cung cấp hơi nóng cho hệ thống sưởi ấm công cộng khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa đông, khiến cho nồng độ PM2.5 thêm đậm đặc và như thế lượng than đá sẽ còn được sử dụng nhiều hơn nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp. Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc sử dụng đến 70% than đá để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ và sản xuất. 1.000 nhà máy điện của quốc gia này tiêu thụ đến 50% tổng sản lượng than toàn cầu hằng năm. Thêm vào đó, cứ hai giây đồng hồ, trên đất nước Trung Hoa lại có thêm một chiếc xe hơi được phép lưu hành. Trong 7 năm, từ 2005 tới 2011, khối lượng xe hơi tại Trung Quốc tăng theo cấp số nhân - lên gấp ba lần.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, mức độ ô nhiễm tối đa có thể chấp nhận được là 25 microgram hạt bụi siêu nhỏ/m3 thì chỉ số này tại TP Bắc Kinh lại thường xuyên ở từ 500 đến 1.000 microgram. Một cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc cho biết, hằng năm có tới 500.000 người thiệt mạng vì ô nhiễm không khí. Nạn ô nhiễm cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh, là nguồn gốc gây ra nhiều bệnh đường hô hấp. Các chuyên gia lo ngại, tới năm 2025, tại Trung Quốc sẽ có tới gần 1 triệu người bị ung thư phổi.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2011 để khắc phục hậu quả do nạn ô nhiễm không khí gây nên, Trung Quốc đã phải chi ra một khoản tiền tương đương 3,5% GDP. Tiến trình phát triển đô thị và tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua đã tàn phá môi trường và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này. Ô nhiễm không khí trở thành thách thức đứng hàng thứ 4 trong số những vấn đề gây đau đầu của Chính phủ Trung Quốc. Tháng 9-2013, Trung Quốc đã thông qua một "kế hoạch 5 năm" để làm sạch môi trường với những mục tiêu cụ thể là giảm 25% lượng bụi siêu nhỏ tại ba thành phố lớn là Bắc Kinh, Hà Bắc, Thiên Tân trước năm 2025; giảm 20% lượng này tại TP Thượng Hải và 15% ở Quảng Đông, Hồng Kông.
Bắc Kinh đang đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ phụ thuộc vào than đá từ 70% xuống còn 65% trong 5 năm sắp tới. Thành phố này cũng đã mạnh dạn cấm xây thêm các nhà máy điện sử dụng than trong phạm vi thủ đô và ngoại thành; đóng cửa gần 300 nhà máy không đáp ứng chuẩn mực an toàn vệ sinh. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã giúp cho khoảng 44.000 hộ gia đình trang bị lò sưởi điện để thay thế các lò sưởi chạy bằng than. Ngoài Bắc Kinh, chính quyền Quảng Đông, Thượng Hải, Hàng Châu, đã giới hạn việc cấp giấy phép cho tư nhân mua xe hơi. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang triển khai mạnh mẽ công nghiệp điện hạt nhân với việc xây dựng một loạt nhà máy điện hạt nhân trên khắp đất nước.
Dẫu vậy, chưa một quốc gia nào chạm đến mục tiêu thay thế hoàn toàn được nguồn năng lượng là than. Vì thế, tình trạng ô nhiễm không khí của Trung Quốc vẫn còn là một thách thức lâu dài đối với quốc gia này.