Bài cuối: Đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn

Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 27/12/2015

(HNM) - Theo Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), tính đến 31-10, tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đều đã triển khai, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tiến hành đánh giá những khó khăn trong PCTN. Song chất lượng dự thảo chưa sâu sắc, chưa đóng góp được những ý kiến về sơ hở trong chính sách pháp luật để hoàn thiện.

Đừng làm cho có

Báo cáo của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN do Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công bố ngày 22-12 cho thấy, để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, đánh giá công tác tổng kết, Ban chỉ đạo đã và đang tổ chức các đoàn công tác tại một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, có sự lúng túng trong biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTN. Một số nơi khi làm việc với đoàn kiểm tra phát biểu nhiều về bất cập, vướng mắc, kiến nghị giải pháp, nhưng dự thảo báo cáo lại không đưa vào hoặc đưa vào rất ít. Đặc biệt, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế

tổ chức thực hiện chưa triệt để, chỉ xây dựng kế hoạch tổng kết cấp tỉnh, mà lơ là việc triển khai tổng kết tại cấp quận, huyện, sở, ngành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa là những đơn vị điển hình chưa có nhiều kiến nghị về hoàn thiện chính sách để ngăn ngừa sơ hở trong chính lĩnh vực, phạm vi đơn vị quản lý. Đáng lưu ý hơn, vẫn còn không ít cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa gửi dự thảo báo cáo tổng kết về Ban chỉ đạo, mặc dù theo kế hoạch, thời hạn gửi dự thảo báo cáo tổng kết là ngày 30-11.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện băn khoăn, Luật PCTN là luật quan trọng nhằm bảo đảm sự trong sạch của bộ máy nhà nước. Mục đích đặt ra là sau tổng kết sẽ kiến nghị sửa đổi toàn diện và tìm biện pháp đột phá hoạch định công tác PCTN trong thời gian tới. Nếu các địa phương, bộ, ngành làm sơ sài cho xong, sẽ không thể đạt được mục đích đề ra. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo cần có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và chất lượng tổng kết, những nơi đã gửi báo cáo nhưng sơ sài phải làm lại.

Sửa đổi luật, đáp ứng yêu cầu thực tế

Nhìn lại hoạt động PCTN những năm qua, cử tri nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội bày tỏ đồng tình với đánh giá việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu, CBCC kê khai tài sản rất hình thức là hai khâu yếu nhất trong công tác PCTN hiện nay. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng đã phát hiện một số thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng có lợi ích nhóm, tham gia góp vốn, mua cổ phần để nắm giữ vị trí chủ chốt của các tổ chức tín dụng cổ phần; lợi dụng vị trí để cho vay các công ty sân sau, công ty mà mình có lợi ích liên quan...

Nguy hiểm nhất là việc các đối tượng tham nhũng có tính lợi ích nhóm lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tạo ra những cơ chế, chính sách vụ lợi cho một nhóm, trong đó có lợi ích của bản thân mình mà bất chấp việc phương hại đến lợi ích của quốc gia, lợi ích chung của xã hội. Nhận định, tham nhũng có tính lợi ích nhóm nếu phát triển sẽ làm gia tăng tính chất nguy hiểm của hành vi tham nhũng, lũng đoạn hoạt động quản lý và sẽ là mối nguy hại lớn, tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nhập cuộc, thẳng thắn đối mặt, vạch rõ những nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn trong chính đơn vị mình. Sau đó, việc điều chỉnh chính sách và thống nhất các quyết sách phải được Quốc hội, Chính phủ tiến hành với tốc độ nhanh mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Cử tri quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy phân tích, chậm trễ "phản công" không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thận trọng và trong một số trường hợp có thể là không theo kịp tình hình phức tạp và tinh vi của tội phạm. Đơn cử, pháp luật quy định tài sản tham nhũng là tài sản của người đã bị kết án về hành vi tham nhũng nên nhiều vụ không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít. Từ lúc khởi tố vụ việc đến khi tuyên án dài, thừa thời gian cho người phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, chuyển hóa tài sản cho người thân, chuyển ra nước ngoài nên khi thi hành án họ thành kẻ trắng tay.

Một vấn đề khác cũng cần đánh giá toàn diện trong quá trình tổng kết Luật PCTN là vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Với nhiệm vụ giúp Quốc hội kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nhưng Kiểm toán Nhà nước hầu như không phát hiện được tham nhũng đã phản ánh sự thiếu hiệu quả phòng chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Vậy trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán nhiều nhưng rất ít phát hiện tham nhũng, thực trạng tham nhũng nội bộ ngành kiểm toán như thế nào phải được làm rõ, tránh tạo nhiều cách hiểu khác nhau trong dư luận xã hội.

Chỉ khi có được những đánh giá đầy đủ về công tác PCTN và việc thực hiện Luật PCTN thời gian qua thì mới có cơ sở sửa đổi luật, khắc phục những tồn tại hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu đặt ra cũng như sự mong đợi của nhân dân.

Hải Hà